Dồn ép đến cùng

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thời điểm nước Anh chính thức ra khỏi EU (Brexit) - ngày 29/3/2019, quá trình đàm phán giữa EU và Chính phủ Anh về Brexit vẫn chưa đạt được kết quả cụ thể nào.

Mọi kịch bản có thể xảy ra, từ Brexit với không có bất kỳ thỏa thuận nào giữa Chính phủ Anh và EU về khuôn khổ và nền tảng pháp lý cho mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai - còn được gọi là Brexit cứng rắn - đến khả năng để cho nước Anh ở lại thêm một thời gian trong EU hay Brexit nhưng một số lĩnh vực quan hệ giữa hai bên vẫn được duy trì như trước cho tới năm 2020 hoặc 2022. Bên nào cũng biết là thời gian đàm phán không còn nhiều nhưng không bên nào chịu nhượng bộ trước.

Hai phe hiện giống nhau ở sách lược đàm phán và sách lược ấy là dồn ép nhau như có thể được và đến cùng. Vướng mắc hiện tại lớn nhất và cũng khó khắc phục nhất giữa hai bên là chuyện kiểm soát và thông thương như thế nào ở khu vực biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland. Ireland là thành viên EU trong khi vùng Bắc Ireland do Anh quản lý. Khi Anh còn ở trong EU thì vùng biên giới này không gây ra vấn đề gì. Nhưng sau Brexit thì ở đó có chuyện chủ quyền quốc gia của Anh và liên minh không ranh giới bên trong đối với EU. Với kịch bản "Brexit cứng rắn" có nghĩa là vùng Bắc Ireland bị tách khỏi lãnh thổ của EU như phần lãnh thổ còn lại của nước Anh. Khi ấy, ở Ireland sẽ bùng phát chuyện nội bộ và chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy mạnh mẽ cũng như việc thực hiện Hiệp định hòa bình cho Bắc Ireland sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Khi ấy, Bắc Ireland sẽ lại trở thành mối nguy hại lớn về chính trị, an ninh đối với nước Anh. Brexit kiểu này đẩy cả EU lẫn nước Anh vào tình trạng chỉ có hại chứ không được lợi gì về chính trị, an ninh và xã hội nội bộ. Vì thế, cả hai bên sẽ phải làm tất cả để tránh kịch bản Brexit ấy. Hiện tại, hai bên còn dồn ép nhau vì cho rằng vẫn còn có thể dồn ép nhau và vẫn chưa đến lúc buộc phải thỏa hiệp.