Đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng: Gỡ ách tắc cho doanh nghiệp

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự phức tạp, rườm rà, chồng chéo về thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đang tạo nên gánh nặng rất lớn, làm mất cơ hội đầu tư của DN.

Vì vậy, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 912/QĐ-BXD thông qua việc đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực xây dựng. Các chuyên gia cho rằng, sự thay đổi này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, DN và cả cơ quan quản lý Nhà nước.
Thủ tục rườm rà
Phó Giám đốc Công ty IP Land Trần Quốc Việt cho biết, hiện nay, một dự án để được đi vào triển khai phải trải qua nhiều khâu thẩm định như: Lập thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; xác định nghĩa vụ tài chính và nộp tiền sử dụng đất.
 Đơn giản hóa thủ tục hành chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Doãn Thành
“Nhưng để thực hiện các bước này, DN đồng thời phải xin hồ sơ từ Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Sở QH - KT và UBND tỉnh, TP, mất rất nhiều thời gian, thiếu một đầu mối thống nhất, chỉ cần sai hồ sơ ở một cơ quan phải làm lại từ đầu. Trên lý thuyết là mỗi thủ tục giải quyết từ 15 – 20 ngày nhưng thực tế bình quân mỗi dự án để đi vào triển khai xây dựng phải mất từ 3 – 5 năm chờ làm thủ tục” – ông Trần Quốc Việt cho hay.
Ở hoàn cảnh tương tự, chủ cơ sở cơ khí, xây dựng Hải Linh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) Nguyễn Hải Linh cho biết, năm 2015, đơn vị này có làm hồ sơ xin xây dựng khu nhà trưng bày sản phẩm tại huyện Mê Linh, phải mất gần 3 năm để thực hiện những thủ tục, gồm: Giấy phép thành lập địa điểm kinh doanh, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng rồi mới được cấp Giấy phép xây dựng.
“Để xây dựng được một khu nhà trưng bày sản phẩm, DN đã phải áp đầy đủ các quy định của rất nhiều luật, như: Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Thương mại… tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Công trình lớn thủ tục còn phức tạp hơn rất nhiều” – ông Nguyễn Hải Linh chia sẻ.
Số liệu báo cáo từ Bộ Xây dựng, qua rà soát hơn 4.400 dự án đầu tư xây dựng đã và đang triển khai, xuất hiện một số bất cập lớn như không đảm bảo sự đồng bộ trong đầu tư nhà ở, dịch vụ thương mại và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Công tác kiểm tra nghiệm thu kéo dài dẫn đến nhiều vướng mắc trong nghiệm thu tổng thể toàn bộ dự án...
“Các nội dung thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng có một số điểm trùng lặp, gồm xem xét phù hợp quy hoạch, đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực, đánh giá về an toàn công trình, năng lực hoạt động xây dựng của đơn vị tư vấn thiết kế, sự tuân thủ quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy… phân cấp trong hoạt động đầu tư xây dựng chưa phù hợp với điều kiện, năng lực thực hiện của các chủ thể, chưa gắn liền với quy định trách nhiệm, chế tài xử lý” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.
Tháo nút thắt về thủ tục đầu tư
Theo quy định hiện hành, trình tự đầu tư xây dựng có 3 giai đoạn, gồm chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng. Các chuyên gia cho rằng, tuy quy trình có 3 bước, song các khâu trong quy trình thực hiện vẫn còn rườm rà, đặc biệt với TTHC ở giai đoạn chuẩn bị triển khai để xin cấp phép xây dựng. Trên cơ sở những khó khăn và kiến nghị của người dân, DN, mới đây, Bộ Xây dựng có Quyết định số 912/2020/QĐ-BXD về việc thông qua phương án đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ.
Theo đó sẽ tiến hành đơn giản hóa 7 bộ TTHC, gồm: Lĩnh vực Quản lý hoạt động xây dựng (2 bộ), Lĩnh vực nhà ở (2 bộ), Lĩnh vực Quy hoạch kiến trúc (2 bộ), Lĩnh vực Vật liệu xây dựng (1 bộ).
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, việc đơn giản hóa TTHC trong đầu tư xây dựng đã được đưa vào quy định của Luật Xây dựng (sửa đổi, bổ sung), điểm nhấn là quy định về những trường hợp không cần Giấy phép xây dựng, như công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính; nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m2, có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt; công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa...
Bên cạnh đó, Luật Xây dựng (sửa đổi) đã giảm bớt bước thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở của các công trình xây dựng trong dự án nhà ở. Công tác thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở được tích hợp khi thực hiện thủ tục cấp Giấy phép xây dựng.
“Quy định mới này đã khắc phục bất cập của Luật Xây dựng 2014, tháo gỡ ách tắc về thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư kinh doanh và chuẩn hóa quy trình thủ tục đầu tư xây dựng, đặc biệt là dự án nhà ở trong thời gian tới” – ông Lê Hoàng Châu nhìn nhận.

"Đối với thủ tục cấp phép xây dựng, giảm số ngày quy định cho cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống 20 ngày. Đây là thời gian đủ để giải quyết TTHC này, việc cắt giảm thời hạn giúp giải quyết TTHC nhanh hơn cho cá nhân, tổ chức và DN." - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà


"Một dự án khi đi vào triển khai đều phải trải qua các quy trình hết sức rườm rà, phải có sự xác nhận từ vài chục con dấu của cơ quan chức năng, thiếu một đầu mối quản lý thống nhất.

Trên thực tế cơ chế chính sách của Nhà nước luôn có độ trễ so với sự phát triển của thị trường, vì vậy cần phải cố gắng để xử lý các TTHC một cách nhanh nhất, đưa vào cơ chế “một cửa” theo đúng bản chất của nó, chứ không phải cơ chế một cửa nhưng trong đó có rất nhiều quy trình." - Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần