Đón sóng đầu tư sau CPTPP

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tạo cơ hội mở rộng xuất khẩu, thương mại dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và dòng đầu tư nước ngoài.

Kỳ vọng các dòng vốn đầu tư mới
Tính theo luỹ kế đến tháng 2/2018, Việt Nam thu hút được 49,58 tỷ USD dòng vốn FDI từ Nhật Bản; 42,8 tỷ USD dòng vốn FDI từ Singapore và Malaysia là 12,3 tỷ USD. Cả 3 nhà đầu tư (NĐT) này đều là những nước thành viên CPTPP và nằm trong top 10 NĐT nước ngoài lớn tại Việt Nam. Những cái tên còn lại trong nhóm CPTPP là Canada (5,1 tỷ USD), Australia (1,8 tỷ USD), New Zealand (102 triệu USD) thời gian qua đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam nhưng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, đặc biệt là Chile và Mexico, là những nước có quan hệ thương mại, đầu tư vào Việt Nam chưa nhiều.
 Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Partron Vina. Ảnh: Trần Việt
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, khi CPTPP được ký kết, sẽ mở ra những kỳ vọng thúc đẩy cả đầu tư trực tiếp FDI và gián tiếp FII. Không chỉ các đối tác lâu năm, ngay cả những nước đang có dòng vốn ít ỏi sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Cụ thể, CPTPP sẽ tiếp tục thúc đẩy áp lực cải cách mà Việt Nam đang theo đuổi, giúp Việt Nam cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng... từ đó nâng cao khả năng thu hút đầu tư nước ngoài. Với dòng vốn gián tiếp, ông Lực cho biết, trong năm 2017, thị trường chứng khoán ghi nhận sự tham gia mạnh mẽ của dòng tiền khối ngoại, đạt khoảng 1,7 tỷ USD, trong đó, 1 tỷ USD là vào cổ phiếu và 700 triệu USD là vào thị trường trái phiếu. “Sang năm 2018, với triển vọng tình hình kinh tế vĩ mô cùng CPTPP được ký kết, lượng vốn đầu tư gián tiếp của NĐT nước ngoài được kỳ vọng sẽ còn tăng mạnh hơn” - ông Lực phân tích.

Săn nhà đầu tư đẳng cấp

Trong hai tháng đầu năm, một loạt dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được cấp chứng nhận đầu tư, trong đó có thể thấy rất rõ “bóng dáng” của các nước thành viên CPTPP. Chẳng hạn, Dự án Nhà máy Điện gió Hanbaram, tổng vốn đầu tư 150 triệu USD, Dự án Nhà máy Dệt và May trang phục Ramatex Nam Định, tổng vốn đầu tư 80 triệu USD của nhà đầu tư Singapore; hay Dự án Nhà máy YKK Hà Nam, tổng vốn đầu tư 80 triệu USD của NĐT Nhật Bản…
Theo TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc nhiều NĐT đẳng cấp tới Việt Nam vào những tháng đầu năm 2018 tiếp tục khẳng định tiềm năng to lớn của Việt Nam trong thu hút FDI. Điều này càng có ý nghĩa hơn, khi năm 2018 là thời điểm quan trọng trong lộ trình thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, do đó cần chuyển hướng chiến lược thu hút FDI theo hướng “săn” các NĐT đẳng cấp, thay vì thu hút một cách ồ ạt, đại trà.

“Trước đây, chúng ta chưa quan tâm nhiều đến thu hút đầu tư từ Anh, Canada…, thì đây là cơ hội. Chúng ta rất cần FDI từ Pháp, Đức, Anh…, những nước dẫn đầu trong OECD (Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển) có nhiều tiềm năng lớn trong phát triển công nghệ cao, công nghệ nguồn. Phải làm sao lôi kéo được đầu tư từ những nước này nhiều hơn, Việt Nam mới có thể theo kịp trong cách mạng công nghiệp 4.0” - GS.TSKH Nguyễn Mại nhận định.

Các chuyên gia cho rằng, để có thể thu hút nguồn vốn này, cần tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh. Đồng thời chú trọng đào tạo lại lao động để có kỹ năng về công nghệ thông tin. Đối với thị trường vốn, trong đó có thị trường cổ phiếu và trái phiếu, cần tăng thêm tính minh bạch và tính tuân thủ trên thị trường; đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, tạo cơ hội đầu tư cho các NĐT nước ngoài.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) vừa có đánh giá triển vọng dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong năm 2018 là tích cực do các yếu tố vĩ mô như tỷ giá, lạm phát của Việt Nam ổn định, tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể vượt mức 6,8% và CPTPP được ký kết. Theo NFSC, với việc không có Mỹ tham gia, ảnh hưởng của CPTPP đến thương mại của Việt Nam đã giảm đi đáng kể do Mỹ là thị trường có quy mô lớn.