Đón Tết Trung thu trong tình yêu thương

Linh Anh - Oanh Trần - Thanh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Còn gần một tuần nữa, ngày Tết Trung thu mới chính thức diễn ra, nhưng từ cuối tuần qua, khắp nơi đã rộn ràng tiếng trống hội, điệu múa lân. Trung thu không chỉ là dịp để các em nhỏ tham gia ngắm những chiếc lồng đèn rực sáng hay được thả mình vào chương trình hài kịch chú Cuội, chị Hằng Nga ở các địa điểm văn hóa; mà còn để mang niềm vui, sự yêu thương chia ngọt sẻ bùi với những em nhỏ kém may mắn, đang hàng ngày chiến đấu với bệnh tật tại các viện Huyết học truyền máu T.Ư, Bệnh viện Nhi T.Ư.

Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Vui Tết Trung thu 2019 cho con cán bộ, công nhân viên cơ quan. Ảnh: Duy Khánh
Khơi gợi giá trị truyền thống
Hai ngày cuối tuần vừa rồi, thời tiết Hà Nội nắng nóng và oi bức, nhưng ngay từ sáng sớm dễ dàng bắt gặp hình ảnh bố bế em nhỏ, mẹ dắt tay chị lớn đi chơi Trung thu. Ở các điểm mở hội Trung thu như: Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, không gian bích họa phố Phùng Hưng… lúc nào cũng tấp nập trẻ em người lớn thoăn thoắt tay bồi giấy làm mặt nạ, chân giữ nẹp kẹp vành đèn ông sao.

Cũng như mọi năm, năm nay Trung tâm Di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội dành cả không gian chính trong nhà ở 19c Hoàng Diệu để trưng bày không gian Trung thu truyền thống. Với chủ đề “Trống hội trăng thu” các em thiếu nhi được nhiêm ngưỡng những hình ảnh, âm thanh tươi mới, rộn rã, của Tết Trung thu xưa. Đặc biệt là hình ảnh những chiếc trống hội đủ kích thước, màu sắc được trưng bày, sắp đặt, gợi nhớ không gian hội hè, lễ Tết rất quen thuộc ở mỗi làng quê Việt Nam. Bước qua cửa Đoan Môn là không gian trải nghiệm các trò chơi bập bênh, đánh đu, cầu trượt, leo núi tam giác, rồi tham gia khu tương tác làm bánh Trung thu, làm đồ chơi truyền thống như tô vẽ mặt nạ giấy bồi, làm diều, tô tranh, nặn tò he. Học sinh các trường tham gia chương trình giáo dục di sản có thêm phần kể chuyện các vị vua hiền. Chợ Tết Trung thu ở Hoàng thành thu tập hợp nhiều sản phẩm thủ công, đặc biệt có nghệ nhân trình diễn và giao lưu: Gia đình nghệ nhân bồi và vẽ mặt nạ Hoàng Bá Nhất (Thuận Thành, Bắc Ninh), gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến làm tiến sĩ giấy (Vân Canh, Hà Nội), nghệ nhân Mạnh Hùng làm tàu thủy sắt tây (Khương Hạ, Hà Nội), nghệ nhân tò he Đặng Văn Khang (Phú Xuyên, Hà Nội). Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết: “Ngay trong ngày đầu khai mạc (8/9) Trung tâm đã đón 500 em nhỏ đến từ các trường Tiểu học Ngôi Sao (Thanh Xuân), Tiểu học Tràng An (Hoàn Kiếm)… cùng rất nhiều gia đình đến đây vui Trung Thu. Chúng tôi mong muốn, chuỗi hoạt động này không những giúp các em có nơi vui chơi mà còn gợi lại hồi ức về những mùa Trung thu xưa kia”.

Từ chiều ngày 7/9, không gian bích họa phố Phùng Hưng đã được trang hoàng mới mẻ bằng hàng nghìn chiếc đèn lồng đón Tết thiếu nhi. Ông Nguyễn Quý (phố Hàng Chiếu, Hà Nội) cho biết: “Đèn lồng treo ở phố Phùng Hưng là những chiếc đèn lồng đặc trưng của Việt Nam. Đến và xem không gian ở phố bích họa Phùng Hưng, những người lớn tuổi như chúng tôi thấy Trung thu truyền thống đã về”. Ngoài không gian bích họa Phùng Hưng, từ 30/8 hết 13/9 tại nhiều tuyến phố cổ Hà Nội như Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Rươi, Hàng Chai, Hàng Khoai… cũng diễn ra chuỗi chương trình Trung thu cho thiếu nhi.

Với các hoạt động Trung thu trở về với giá trị truyền thống là để khơi gợi, tạo điểm đến mang lại cho du khách, đặc biệt các em nhỏ và những người yêu mến giá trị văn hóa Thăng Long xưa những trải nghiệm quý giá, đem tới một sân chơi ý nghĩa trong ngày Tết thiếu nhi.
Niềm vui của các em khi được nhận quà Trung thu 2019 trong chương trình “Vầng trăng cổ tích”. Ảnh: Thủy Trúc
Đong đầy những sẻ chia

Nhằm động viên các cháu và chia sẻ phần nào khó khăn của các gia đình bệnh nhi đang điều trị tại Viện Huyết học Truyền máu T.Ư, ngày 6/9, Hội đồng bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội (HĐBTQBTTEHN) tổ chức chương trình Trung thu “Vầng trăng cổ tích”. Phó Chủ tịch HĐBTQBTTEHN Hoàng Thành Thái thông tin: Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của TP, sự vào cuộc của các cấp, ngành cộng với sự chung tay đóng góp ủng hộ của các tổ chức và những tấm lòng hảo tâm, các em có hoàn cảnh khó khăn đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Trong chương trình “Vầng trăng cổ tích”, các bệnh nhi được đón Trung thu với sự xuất hiện của chị Hằng, chú Cuội và nhiều tiết mục xiếc, ảo thuật, văn nghệ. Tại đây, Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã trao kinh phí hỗ trợ cho 50 cháu thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt đang điều trị tại Viện, mỗi cháu 1.000.0000 đồng. Và tặng cho 400 bệnh nhi 400 phần quà, mỗi suất trị giá 250.000 đồng là những vật dụng thiết thực cho sinh hoạt hàng ngày tại Viện.

Nhận được số tiền hỗ trợ 1 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Hiền xúc động không nói lên thành lời. Nước mắt tuôn rơi, chị Hiền chia sẻ hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, phát hiện con trai 3 tuổi bị bệnh cách đây 5 tháng, gần đây gia đình cho đến Viện Huyết học Truyền máu T.Ư điều trị. “Mẹ con tôi cảm ơn chương trình vì chưa bao giờ được tặng số tiền lớn như thế. Quê tôi ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) năm nay lũ lụt nhiều nên cuộc sống càng khó khăn hơn, chỉ có hai mẹ con trông nhau ở Viện, bố cháu ở nhà đi xây”.

Chiều 8/9, Bệnh viện Nhi T.Ư tổ chức chương trình “Trung thu hồng” 2019 cho những trẻ em đang điều trị tại bệnh viện. Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động như câu cá, các trò chơi dân gian, Tết bóng nghệ thuật, viết thư pháp…., cùng với đó là những suất quà và hỗ trợ kinh phí cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư bác sĩ, TS Phạm Duy Hiền cho biết: Hằng ngày, bệnh viện tiếp nhận trên 3.000 bệnh nhi đến khám và khoảng 1.700 bệnh nhi hiện đang nằm điều trị nội trú. Với mong muốn đem lại món quà tinh thần, kịp thời động viên chia sẻ, tiếp thêm động lực cho bệnh nhi vượt qua nỗi đau của bệnh tật, bệnh viện phối hợp tổ chức chương trình này dành tặng bệnh nhi đang điều trị tại đây. Chương trình “Trung thu hồng” đem lại niềm vui cho các bệnh nhi và gia đình người bệnh.

Ngày 8/9, Chi đoàn báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Văn phòng cơ quan tổ chức chương trình “Vui Tết Trung thu” năm 2019 cho con em cán bộ, công nhân viên, người lao động trong cơ quan tại Trang trại Sinh thái Giáo dục V-Eco (số 64 Ngô Xuân Quảng, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Tại đây, gần 100 em nhỏ đã được tham gia rất nhiều hoạt động sôi nổi và bổ ích. Sau khi tham quan Bảo tàng Nông nghiệp, tìm hiểu nông cụ và khu thực hành sản xuất nông nghiệp truyền thống, công nghệ cao, các bạn nhỏ cùng nhau làm những chiếc đèn ông sao đáng yêu và trổ tài làm những chiếc bánh Trung thu dẻo thơm; đi du thuyền cùng cha mẹ. Đặc biệt, tại Trang trại Sinh thái Giáo dục V-Eco, các bạn nhỏ đã có những tiếng cười sảng khoái khi được tham gia “cuộc đua kỳ thú” với những chú ngỗng dễ thương; cảm thấy vô cùng thích thú khi được thăm khu chăn nuôi và cho những động vật nuôi (thỏ, lừa, dê, đà điểu, ngựa…) ăn, qua đó bồi dưỡng thêm tình yêu thương động vật. Tại Gala “Vui Tết Trung thu”, các bạn nhỏ đã cùng “chú cuội” tham gia các trò chơi với nhiều món quà tặng… (Đoàn Thanh)