Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ: Xu hướng tất yếu

Nhóm PV Nội chính
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện các bộ, ngành, địa phương đang quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 của T.Ư 6 (Khóa XII), Chương trình hành động của Chính phủ về "tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập". Cùng với rà soát giảm các tầng lớp trung gian, thu gọn đầu mối, các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) cũng sẵn sàng lộ trình chuyển sang tự chủ.

Bài 1: Thực trạng cần thay đổi
Hệ thống cung ứng sự nghiệp công hiện đã phủ kín hầu hết các địa bàn, lĩnh vực. Những đổi mới liên tục được thực hiện, tạo cơ hội cho mọi người dân thụ hưởng các dịch vụ thiết yếu với chất lượng ngày càng cao và chi phí hợp lý hơn. Tuy nhiên, do việc tự chủ, xã hội hóa mới chỉ là bước đầu, thí điểm… khiến nhiều đơn vị SNCL vẫn là gánh nặng cho ngân sách.

 Bệnh viện Tim Hà Nội đang hoạt động hiệu quả theo cơ chế tự chủ tài chính. Ảnh: Thanh Hải

Hơn 60% đơn vị sống bằng ngân sách

Hiện cả nước có 57.995 đơn vị SNCL, trong đó T.Ư là 1.206 đơn vị, địa phương là 56.789. Tổng số biên chế gần 2,45 triệu (trong đó hai ngành y tế và giáo dục chiếm gần 70% số biên chế). Chi cho SNCL đang chiếm tới 44% tổng chi thường xuyên từ ngân sách. Đến nay, cả nước còn 60,5% đơn vị SNCL do ngân sách đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động. Đây là con số quá lớn, chưa kể đến việc nhiều đơn vị SNCL còn manh mún, chồng chéo, kém hiệu quả, hoạt động kiểu cầm chừng.

Việc triển khai lộ trình tính đủ chi phí trong giá dịch vụ SNCL còn khó khăn. Cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách về cơ bản vẫn thực hiện theo yếu tố đầu vào và theo biên chế; đầu tư phân tán, dàn trải chưa gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ; việc sử dụng tài sản công còn phân tán, lãng phí, hiệu quả thấp.

Mặc dù đã có nhiều chính sách nhằm phát huy tinh thần sáng tạo, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp nhưng việc thực hiện còn hạn chế, kết quả đạt được thấp và thiếu vững chắc. Điểm qua một vài con số có thể thấy rõ điều này: Hiện chỉ có 123 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 1.934 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên; 12.968 đơn vị mới đảm bảo một phần chi thường xuyên.

Nhìn từ khối khoa học công nghệ có thể thấy, hơn 11 năm thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ, hiện nay đã có 19 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên.
Tuy nhiên, việc đầu tư từ ngân sách cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập còn dàn trải, mang tính cào bằng. Hằng năm, trong cơ cấu chi ngân sách sự nghiệp, chi hoạt động thường xuyên cho các tổ chức khoa học và công nghệ chiếm gần 90%, phần kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu, triển khai chỉ chiếm khoảng 10%.
 Trụ sở Ban quản lý dự án công trình giao thông Hà Nội. Ảnh Chiến Công
Kỳ vọng bước đổi về chất

Nghị quyết số 19 của T.Ư về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định rất rõ các mục tiêu. Phấn đấu đến năm 2021, giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% (bằng 5.792 biên chế) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (bằng 205.369 biên chế) sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách so với năm 2015; Có 10% (bằng 5.792) đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 – 2015. Hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học)…

Đã đến lúc Nhà nước chỉ làm những việc xã hội không làm hoặc xã hội không thể làm. Việc đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, tăng tính chủ động… là cần thiết, giúp đổi về chất cho hệ thống gắn liền với an sinh xã hội này.

Như Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhận định, qua khảo sát tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hai TP này có thể giảm 20% số lượng đơn vị. Đây là các đơn vị tự chủ được tài chính, một số có thể chuyển sang hình thức công ty cổ phần. Việc chuyển đổi không chỉ giảm chi thường xuyên cho ngân sách, mà còn giúp thu lại cho Nhà nước hàng ngàn ha đất từ hàng trăm đơn vị để đem đấu giá.

Nhưng việc rút gọn đầu mối, hay sắp xếp lại các đơn vị SNCL, tăng tự chủ không đơn thuần về lượng, mà nhiều người kỳ vọng sự chuyển đổi về chất. Thực sự đạt đến mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ công, cơ cấu lại thu chi ngân sách. Bởi thực tế, nếu không đổi mới thì năng lực cung cấp dịch vụ công sẽ tụt hậu trước nhu cầu ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng của người dân, nhất là ở các đô thị. Chưa kể, không đổi mới, ngân sách khó có thể dành ra cho đầu tư phát triển. Khi đó, chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cho xã hội sẽ thực sự đổi mới, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Theo phân tích của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cứ một đơn vị sự nghiệp công lập có 100 con người mà tự chủ được hoàn toàn là giảm được ngay 100 biên chế, đồng thời tạo điều kiện thu hút vài trăm lao động. Tự quyết định về tài chính sẽ quyết định được tổ chức bộ máy và biên chế, giảm gánh nặng cho Nhà nước, tạo điều kiện thu hút lao động xã hội. Cần từng bước xóa bao cấp đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần