Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đông Anh đa dạng hình thức tuyên truyền pháp luật

Bài, ảnh: Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định địa phương đang trong quá trình đô thị hóa, các vụ tranh chấp tài sản, đơn thư khiếu kiện có thể tăng nên những năm qua, UBND huyện Đông Anh rất chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL). Công tác này đã góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh trật tự địa bàn.

Phòng Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực đã tham mưu cho Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể hàng tháng, quý, năm. Trên cơ sở đó, việc tuyên truyền cũng được mở rộng đến nhiều đối tượng, địa bàn với nội dung và hình thức phong phú, như tổ chức hội nghị, trợ giúp pháp lý lưu động, công tác hòa giải, sân khấu hóa, tuyên truyền luật tại các trường học…
Công an huyện Đông Anh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh trường Tiểu học Nam Hồng.
Năm 2017, Hội đồng PBGDPL huyện đã chú trọng đến công tác tuyên truyền trực quan sinh động, đồng thời giáo dục sâu rộng về vị trí, vai trò của hiến pháp và pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước. Quan tâm tuyên truyền văn bản liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong đời sống dân sự, kinh tế. Ngoài ra còn có các Luật, nghị định mới được ban hành, như Luật Đất đai, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Tiếp công dân… gắn với đời sống thực tiễn của Nhân dân. Năm 2017, Phòng Tư pháp, Công an, Thanh tra Nhà nước huyện cùng Đài truyền thanh và các xã, thị trấn tổ chức được 170 buổi tuyên truyền cho 50.489 lượt người. Từ đầu năm 2018 đến nay, đã có gần 100 buổi tuyên truyền pháp luật với khoảng 30.000 lượt người tham dự; làm 15.500 tờ gấp, pa nô, khẩu hiệu, tuyên truyền thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động. Bổ sung 600 cuốn sách về BLHS năm 2015 và Bộ luật TTHS năm 2015 cho tủ sách cơ sở. Qua đó góp phần giáo dục, vận động cán bộ, người dân nâng cao ý thức, tự giác chấp hành pháp luật.

Bên cạnh đó, phòng Tư pháp còn phối hợp với Chi nhánh Trợ giúp pháp lý tổ chức trợ giúp lưu động miễn phí tại các xã Nam Hồng, Nguyên Khê, Văn Nội, Đại Mạch… với trên 3.000 người tham dự. Đồng thời, duy trì 187 tổ hòa giải ở các thôn, cụm dân cư với trên 1.519 thành viên tích cực hòa giải các vụ việc ngay tại cơ sở. Trong năm trước, các hòa giải viên đã hòa giải thành công gần 300/418 vụ, từ đầu năm 2018 đến nay hòa giải thành công 219/224 vụ việc. Nhờ vậy, nhiều địa phương trong huyện không có đơn thư vượt cấp, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến tòa án hoặc cơ quan Nhà nước, góp phần ổn định tình hình, đẩy lùi số vụ khiếu kiện.

Trưởng Phòng Tư pháp huyện Đông Anh Ngô Văn Lệ cho biết, phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới huyện Đông Anh tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các mô hình, hình thức PBGDPL. Tuyên truyền đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, phấn đấu 100% tổ hòa giải cơ sở hoạt động có hiệu quả, đạt tỷ lệ hòa giải thành 85% vụ việc trở lên, góp phần hạn chế tình trạng đơn, thư khiếu nại của công dân, giữ gìn an ninh trật tự cho địa phương.