Đồng bằng sông Cửu Long đứng trước nguy cơ hạn mặn lịch sử

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu quan trắc của Bộ NN&PTNT cho thấy, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xuất hiện sớm hơn so với mùa khô năm 2015 - 2016, ở mức độ gay gắt và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Trên lưu vực sông Mê Kông, năm 2019 - 2020 thuộc năm ít nước, lưu lượng về ĐBSCL bị  thiếu hụt nghiêm trọng so với  trung bình nhiều năm (TBNN), thậm chí thấp hơn cả năm 2015 - 2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ  lục). Điển hình, mực nước bình quân từ đầu mùa khô đến nay tại trạm Kratie (thuộc Campuchia) đạt 6,67 m, thấp hơn 1,43 m so với trung bình nhiều năm (TBNN), và thấp hơn 0,5 m so với cùng kỳ năm 2016.
Dung tích trữ Biển Hồ (Campuchia) đến trung tuần tháng 2/2020 ước khoảng 1,9 tỷ m3, giảm khoảng 35,7 tỷ m3 so với thời  điểm cao nhất (ngày 1/10/2019), thấp hơn TBNN khoảng 3,6 tỷ m3, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 gần 30 triệu m3. Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019 - 2020.
 Xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long rất gay gắt 
Thực tế, xâm nhập mặn đã xuất hiện ở mức cao đột biến từ tháng 12/2020, ranh mặn 4 g/lít ở các cửa sông Cửu Long sâu nhất đến 57 km (Sông Hàm Luông), sâu hơn trung bình nhiều năm (TBNN) là 24 km, sâu hơn năm 2015 là 17 km.
Trong tháng 1/2020, xâm nhập mặn đã tăng cao trong thời gian từ ngày 6 -13/1/2020 với ranh mặn 4g/lít  ở  vùng 2 sông Vàm Cỏ (Vàm cỏ Đông, Vàm cỏ Tây) từ 82 - 85 km, sâu hơn năm 2016 từ 18 - 20km; vùng cửa sông Cửu Long từ 45 - 66km, sâu hơn năm 2016 từ 6 - 17 km; vùng ven Biển Tây lớn nhất 48km, sâu hơn năm 2016 là 6 km.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn đang trong thời gian lên cao (từ ngày 8 - 16/2/2020) theo kỳ triều cường giữa tháng 1 âm lịch. Đây là đợt xâm nhập mặn cao nhất từ đầu mùa khô đến nay với ranh mặn 4 g/l tại các cửa sông đạt cao nhất.
Cụ thể, vùng 2 sông Vàm Cỏ: Phạm vi từ 100 - 110km, sâu hơn TBNN  từ 20 - 22 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 4 - 6 km. Vùng cửa sông Cửu Long: sông Cổ Chiên 68 km, Hàm Luông 75 km và sông Hậu 66 km, sâu hơn TBNN từ 20 - 30 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 3 - 10 km. Vùng ven biển Tây trên sông Cái Lớn: 61 km, sâu hơn TBNN khoảng 12 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 5 km.
Trong thời gian  tiếp theo của mùa khô, ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn được nhận định còn tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường. Dự kiến từ cuối tháng 3/2020, xâm nhập mặn sẽ giảm dần do các hồ chứa thượng nguồn tăng  lưu  lượng xả nước như  tương  tự một số năm gần đây. Ở vùng các sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến hết tháng 4/2020.
Đáng chú ý, các cơ quan chức năng nhận định, trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập Trung Quốc) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn mùa khô năm 2015 – 2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần