Dòng chảy Phương Bắc 2: Đức phản ứng mạnh trước lời đe dọa trừng phạt của Mỹ

Nguyễn Phương (Theo DW)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Christopher Burger tuyên bố, việc Washington áp lệnh trừng phạt với các công ty châu Âu tham gia Dòng chảy Phương Bắc 2 là "trái với luật pháp quốc tế”.

Ngày 10/8, người phát ngôn của Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết nội các nước này đang liên lạc với các công ty có thể bị Mỹ áp lệnh trừng phạt do tham gia xây dựng tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga.
“Lập trường của Đức đối với các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ của Mỹ không thay đổi. Chúng tôi kiên quyết phản đối hành động này. Chính phủ Đức đang liên hệ với các công ty bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt” - người phát ngôn Seibert nêu rõ.
Berlin phản ứng mạnh trước lời đe dọa trừng phạt của Mỹ đối với công ty Đức tham gia dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức cũng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với người đồng cấp Mỹ trước lời đe dọa trừng phạt của chính quyền Washington đối với một cảng nhỏ của Đức, nơi đang xây dựng tuyến đường ống cuối cùng của dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Ngoại trưởng Heiko Mass cho biết, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 10/8, ông đã bày tỏ “thái độ bất bình trước những lời đe dọa trừng phạt từ ba thượng nghị sĩ Mỹ đối với các DN Đức tham gia dự án đưa khí đốt từ Nga sang Đức. "Tôi đã đề cập đến vấn đề này trong một cuộc điện đàm với Mike Pompeo ngày hôm qua, bày tỏ sự ngạc nhiên và không hài lòng", ông Mass nói với các phóng viên.
Tờ Handelsblatt hồi tuần trước đưa tin, các thượng nghị sĩ Mỹ gồm ông Ted Cruz, Tom Cotton và Ron Johnson đã ký tên trong một bức thư chung gửi tới Faehrhafen Sassnitz GmbH - đơn vị điều hành cảng Murkan, nơi các tàu Nga đang hoàn thiện phần cuối cùng của dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, để cảnh báo về những hậu quả nếu công ty này hỗ trợ tuyến đường ống chuyển khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức.
Cảnh báo nêu rõ, nếu hỗ trợ việc lắp đặt đường ống, Faehrhafen Sassnitz GmbH sẽ bị cắt đứt quan hệ thương mại và tài chính với Mỹ. Do vậy, công ty Sassnitz và cảng Mukran ở đảo Rügen cần phải chấm dứt ngay việc hỗ trợ cho dự án vốn bị chính quyền Tổng thống Donald Trump phản đối lâu nay.
Cảng Murkan, nằm ở thị trấn nhỏ ven biển Sassnitz trên đảo Rügen của biển Baltic, đóng vai trò là trung tâm dịch vụ và hậu cần quan trọng cho các tàu xây dựng đoạn cuối của đường ống của Đức. Cảng này không thuộc sở hữu tư nhân, nó thuộc sở hữu 90% của TP Sassnitz và 10% của bang Mecklenburg-Vorpommern.
Mỹ - vốn phản đối mạnh mẽ dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 - lo ngại rằng đường ống khí đốt này sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga.
Đức đã bày tỏ sự tức giận trước lời lời đe dọa của Mỹ, nói rằng họ can thiệp vào công việc nội bộ của Đức. Bất chấp những khác biệt chính trị với Nga, chính quyền Berlin coi đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 là một bước đi tích cực hướng tới năng lượng ổn định hơn, rẻ hơn và sạch hơn khi loại bỏ than đá.
Dự án trị giá 11 tỷ USD, một nửa do tập đoàn Gazprom của Nga tài trợ và nửa còn lại chia đều cho 5 công ty châu Âu (OMV, Wintershall Dea, Engie, Uniper và Shell). Dự kiến tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên được vận chuyển từ bờ biển Nga qua biển Baltic đến Đức.