Phát biểu tại cuộc họp ngày 1/8, Giám đốc Công ty Năng lượng OMV của Áo Rainer Seele nói rằng, hiện 70% hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Nga đã sẵn sàng đưa vào vận hành.
“Các công trình xây dựng còn lại của dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đang tiếp tục được thực hiện theo kế hoạch. Chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này. Chúng tôi dự định sẽ chính thức bắt đầu vận chuyển khí đốt từ Nga qua tuyến đường ống này muộn nhất là ngày 31/12. Phần lớn việc lắp đặt hệ thống các đường ống khí đốt đã được hoàn thành, hiện chỉ còn phải thi công khoảng 30% phần còn lại của dự án” - ông Seele tiết lộ tại cuộc họp hôm 1/8, và nhấn mạnh thêm rằng 70% hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu chạy dưới biển Baltic đã xong.
Nói về những trở ngại có thể ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, Giám đốc Công ty năng lượng OMV lưu ý rằng vấn đề duy nhất hiện vẫn chưa giải quyết được là việc xin giấy phép xây dựng từ chính phủ Đan Mạch, vì đoạn đường ống cuối cùng sẽ đi qua vùng biển nước này.
Các chuyên gia nhận định rằng chắc chắn Đan Mạch sẽ cấp phép xây dựng tuyến đường ống cuối cùng, nhưng hiện khó có thể khẳng định việc chậm nhận được giấy phép tại Đan Mạch có thể ảnh hưởng đến tiến độ của dự án Dòng chảy Phương Bắc hay không.
“Đan Mạch công khai trì hoãn quá trình phê duyệt dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 do chịu áp lực từ Mỹ. Đan Mạch đã kéo dài quá trình xem xét để cấp phép thi công tuyến đường ống khí đốt của tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga trong hơn 2 năm qua.
Tuy nhiên, chuyên gia Yushkov lưu ý thêm rằng với hơn 2/3 hệ thống đường ống khí đốt thuộc Dòng chảy Phương Bắc 2 đã được hoàn thành, vì vậy về mặt kỹ thuật, nhận định của ông Seele hoàn toàn có cơ sở.
Dòng chảy Phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga với 5 công ty của châu Âu, gồm Wintershall, Uniper, OMV, Engie và Royal Dutch Shell.
Dòng chảy Phương Bắc 2, bao gồm 2 tuyến đường ống, hàng năm sẽ chuyên chở 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua Biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine.
Dòng chảy Phương Bắc 2, với tổng vốn đầu tư 9,5 tỷ euro (tương đương 11 tỷ USD) và dự kiến bắt đầu hoạt đồng vào cuối năm nay, sẽ đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic - Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Nhiều quốc gia phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, cũng như nếu giảm khối lượng khí trung chuyển qua hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine (GTS) có thể dẫn đến hậu quả một số lượng lớn người tiêu dùng Ukraine không có khí đốt, và Mỹ với kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đầy tham vọng.