Động lực để doanh nghiệp phát triển

Trọng Nghĩa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lấy chất lượng song hành số lượng, thay đổi tư duy, phương thức phát triển và tăng cường vai trò của Đảng, đoàn thể tại các DN ngoài khu vực Nhà nước.

Đó là cách các cấp ủy trực thuộc Đảng bộ TP Hà Nội triển khai để việc thành lập mới các tổ chức Đảng, đoàn thể không chỉ đảm bảo đủ chỉ tiêu, mà còn thực sự giúp các DN hoạt động hiệu quả, bền vững.
Không chọn việc nhẹ nhàng

Thực hiện từ năm 2012, chỉ tính “tròn” 5 năm, đến đầu năm 2017, toàn Đảng bộ TP đã thành lập mới được 886 tổ chức Đảng (đạt 85,52% chỉ tiêu kế hoạch đề ra), nâng tổng số các tổ chức Đảng trong DN ngoài khu vực Nhà nước lên 1.637; phát triển được 5.964 đảng viên mới (trong đó có 34 chủ DN tư nhân). Cùng với đó, thành lập mới 1.994 tổ chức công đoàn cơ sở (đạt 99,7% chỉ tiêu được giao); thành lập được 681 tổ chức Đoàn, Hội...
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn tặng quà Tết cho Công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng
Nếu chỉ nhìn những số liệu cơ học, khó có thể thấy hết được nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy từ TP đến cơ sở. Không phải không có ý kiến ngại khó, bàn lùi, không phải không có tâm tư, vì để đi “mời” DN tham gia phát triển Đảng, phát triển công đoàn trong điều kiện sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, quả thật là thử thách. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, Thành ủy đã tập trung chỉ đạo, triển khai bằng nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp. Theo Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Nghị quyết 09 về phát triển Đảng, tổ chức đoàn thể DN ngoài khu vực Nhà nước, bắt đầu từ khâu tuyên truyền, các cấp ủy đã đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của chủ DN - những đối tượng lâu nay vẫn "lấn cấn" xem vào Đảng được gì, mất gì để họ tự nguyện tham gia. “Các cấp, các ngành tăng cường nắm bắt tình hình DN, nhất là tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc, từ đó kịp thời đối thoại, hỗ trợ, giúp DN tháo gỡ. Việc này không chỉ hô hào là được, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, nếu chỉ làm theo kiểu hành chính đơn thuần sẽ khó thành công. Như đối với người lao động, chúng ta phải tuyên truyền để mỗi người hiểu khi gia nhập công đoàn sẽ được bảo vệ những quyền lợi chính đáng. Nếu tham gia chỉ họp và đóng đoàn phí, chắc không ai muốn. Với công tác xây dựng Đảng cũng vậy, phải sinh hoạt, tham gia thế nào cho hiệu quả, đừng đứng ngoài cuộc, để DN thấy được sự cần thiết của tổ chức Đảng như là “thân thể” của mình vậy” - Phó Bí thư Thành ủy nói.

Từ sự chủ động, linh hoạt đó, cả chủ DN và người lao động đều nhận thấy vai trò tổ chức Đảng đối với hoạt động của đơn vị mà nhiệt tình hưởng ứng, tham gia. Ngay tại các công ty liên doanh hay 100% vốn nước ngoài vốn “ngại” nhiệm vụ này cũng đã tích cực hơn. Tổng Giám đốc Công ty Terumo Việt Nam Hagiwara Kazuhiko cho biết: “Chi bộ Công ty hiện nay có 4 người, đều là những hạt nhân tích cực từ công đoàn cơ sở và đóng góp tích cực cho DN. Tôi hy vọng thời gian tới, tổ chức Đảng sẽ thêm nhiều đảng viên để phát huy hoạt động của mình, đặc biệt trong việc thiết lập môi trường làm việc ổn định, thân thiện và tin cậy”.

Yêu cầu cao hơn

Sau giai đoạn đầu phát triển khá nhanh, Thành ủy Hà Nội đặt yêu cầu cao hơn với các đơn vị, phải lấy chất lượng làm đầu. Trong khi đó, những DN “dễ” đều đã có tổ chức Đảng, đoàn thể, chỉ còn lại những nơi tình hình khó khăn hơn. Đặc biệt là sau cổ phần hóa, vai trò tổ chức Đảng tại không ít DN rơi vào tình trạng “chung chiêng”. Điều đó, đòi hỏi các cấp ủy phải chủ động, linh hoạt để không chỉ “hút” được các DN ngoài khu vực Nhà nước tham gia, mà còn khẳng định được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo tại đơn vị.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cho rằng, các quận, huyện, thị xã phải gắn phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể. Các quận, huyện cần làm tốt công tác quản lý Nhà nước, quản lý địa bàn để từ đó nắm chắc thông tin về DN, không “khoán trắng” cho các Đảng ủy khối, các ban tổ chức quận, huyện, thị ủy.

Phó Bí thư Thành ủy lưu ý các đơn vị thay đổi tư duy, coi phát triển tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên là ưu tiên số một, từ đó làm cơ sở để phát triển Đảng. “Nếu chỉ “cài cắm”, loay hoay tìm đảng viên để đủ thành lập chi bộ cho đạt chỉ tiêu sẽ khó bền vững, có khi thành lập rồi lại giải thể. Do đó, cần quan tâm xây dựng lực lượng đoàn viên, người lao động trong DN vững mạnh để việc phát triển các tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN trở thành nhu cầu tự thân, đưa nội dung sinh hoạt gắn với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Có như vậy sau khi thành lập, vai trò của các tổ chức này mới hiệu quả, thiết thực với DN” - đồng chí nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần