Động lực mới trong nông nghiệp

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/4, lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ tổ chức đối thoại, trực tiếp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người nông dân phát triển sản xuất. Mặc dù là lần đầu tiên nhưng sự kiện không phải là điều khiến nhiều người quá bất ngờ.

 Thủ tướng tặng quà bà con nông dân tại buổi gặp mặt 9/4
Đây được xem là sự kiện chính trị rất đặc biệt, thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và đời sống của người nông dân, đặc biệt khi mà khu vực này đã và đang khẳng định vai trò của mình trong quá trình hội nhập kinh tế.
30 năm đổi mới, từ trong muôn vàn khó khăn, người nông dân cả nước bằng sức sáng tạo đã khai mở, tìm tòi những cách làm sáng tạo. Đây là cơ sở để các quyết định về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp của Đảng và Nhà nước được ra đời như: Chỉ thị số 100 của Ban Bí thư (năm 1981), Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị (năm1988), Luật Đất đai (năm 1993), Nghị quyết T.Ư 7 (Khóa X)… Những chính sách thuở đầu đổi mới đã tạo động lực mạnh mẽ, giải phóng sức sản xuất cho người nông dân, đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập, từng bước hồi sinh nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống cho người nông dân.

Tiếp nối nỗ lực của những năm đầu đổi mới, những năm qua, Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của nền nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam đã đạt những bước phát triển ổn định trong thời gian dài. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực với mức đóng góp GDP trung bình khoảng 20%/năm. Đáng vui mừng, quý I/2018, lần đầu tiên trong 13 năm gần đây, GDP nông nghiệp tăng trưởng gần 4,1%.

Nhìn nhận khách quan trong bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, những thành quả có được không phải ngẫu nhiên mà tới. Thành tựu của ngành nông nghiệp trong 30 năm đổi mới có đóng góp quan trọng của người nông dân. Bên cạnh đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các địa phương dành cho nông nghiệp, nông thôn và nhất là những người nông dân.
Những chỉ đạo sâu sát, gắn với thực tiễn và phù hợp với điều kiện nền kinh tế Việt Nam đã được đưa ra. Người nông dân đã không còn cảm thấy đơn độc trong sự phát triển chung của nền kinh tế thị trường. Không phải là những chỉ đạo trên bàn giấy, những hội nghị được tổ chức tại những nơi trang trọng, hình ảnh Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và thành viên Chính phủ đội mưa nắng, không quản ngại ngày đêm, tới tận nơi chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, thăm hỏi, động viên bà con vùng lũ vượt lên khó khăn trong “năm thiên tai 2017” đã khiến rất nhiều người xúc động. Đó đã trở thành biểu tượng của Chính phủ thấu cảm, vì dân.

Sự kiện Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân ngày 9/4 dù là lần đầu tiên được tổ chức, tuy nhiên, đó không phải là điều khiến nhiều người quá bất ngờ. Điều đó chỉ một lần nữa khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân nói chung. Đây cũng là động lực mạnh mẽ để những người nông dân nỗ lực chung sức xây dựng nền nông nghiệp nhiều chông gai phía trước. Tất cả đều kỳ vọng, với Chính phủ kiến tạo, biết lắng nghe và vì dân, không chỉ ngành nông nghiệp, mà nền kinh tế nước nhà nói chung sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu lớn hơn nữa trong giai đoạn tới.