Đồng Tháp: Hơn 3.000 ca mắc Covid-19, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm 14 ngày

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến trưa 31/7, tỉnh Đồng Tháp đã có 3.133 ca mắc Covid-19. Hiện tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, tỉnh này đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg trên địa bàn tỉnh thêm 14 ngày, kể từ ngày 2/8 đến hết 15/8.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp, tính đến trưa nay (31/7), tỉnh đã ghi nhận 3.133 ca mắc Covid-19.
Riêng từ ngày 14/7 (thời điểm bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh) đến ngày 30/7, Đồng Tháp ghi nhận 2.306 ca mắc Covid-19 (đứng thứ 6/62 tỉnh, thành).
Trong đó, 333 trường hợp xuất viện, 24 trường hợp tử vong, 2.510 trường hợp đang điều trị; truy vết cách ly tập trung 2.906 trường hợp và chuẩn bị phương án trên 18.000 giường cách ly tập trung. 
Cán bộ của UBND phường 3, TP Cao Lãnh (bên trái) phát gạo cho hộ dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: Báo Đồng Tháp
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, tình hình còn phức tạp, số ca dương tính phát hiện chưa có dấu hiệu giảm, cũng như nguy cơ tiềm ẩn mầm bệnh đang trong cộng đồng vẫn còn cao.
Tỉnh Đồng Tháp thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg trên địa bàn tỉnh thêm 14 ngày, kể từ ngày 2/8 đến hết 15/8, với mục tiêu đặt ra là nhanh chóng thu hẹp “vùng đỏ” và mở rộng “vùng xanh”, dập dịch triệt để, hiệu quả.
Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các tiểu ban, các địa phương chủ động đánh giá lại phương pháp thực hiện các nhiệm vụ, đề ra mục tiêu cho giai đoạn mới. Trong đó lưu ý, 15/8 chỉ là thời điểm tối đa để khống chế, dập dịch, tùy vào tình hình mà địa phương có kịch bản, phương án để nhanh chóng kiểm soát, dập dịch sớm nhất có thể. UBND tỉnh có cơ chế biểu dương, khen thưởng các địa phương làm tốt nhiệm vụ này.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định phòng, chống dịch có hiệu quả hay không, phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, các địa phương phải chú trọng nắm bắt tình hình tư tưởng của nhân dân, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận; kịp thời hỗ trợ chính sách, tháo gỡ những khó khăn của người dân và tổ chức, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn giãn cách tiếp theo, cần chú trọng thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự và an sinh xã hội trên địa bàn, phát huy tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau trong các tầng lớp nhân dân.
Các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 5 với hơn 87.000 liều. Tỉnh cũng vừa được phân bổ hơn 50.000 liều (đợt 6) và sẽ sớm phân khai cho các địa phương triển khai tiêm sớm nhất cho người dân.
Làm việc với huyện Châu Thành sáng 31/7, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị, trong giai đoạn giãn cách 14 ngày tới, địa phương cần xác định mục tiêu khống chế, dập dịch trong thời gian sớm nhất. Nắm bắt tình hình dư luận và tâm lý người dân, kịp thời thăm hỏi, động viên và tháo gỡ khó khăn cho người dân, nhất là tại các khu vực phong tỏa, khu cách ly.
Song song với việc khẩn trương hoàn thành tiêm vaccine phòng Covid-19 đúng tiến độ, cần đẩy nhanh thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhất là người lao động mất việc, người bán vé số...
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, các ca nhiễm trong cộng đồng vẫn còn nhiều. Các địa phương phải tiếp tục kiểm soát, giám sát thật chặt hơn nữa, nhất là tại các doanh nghiệp (DN) thực hiện “3 tại chỗ”, tuyệt đối không để công nhân ra vào doanh nghiệp, không đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.
Tuyệt đối không chủ quan, không tự ý điều chỉnh nới lỏng các quy định giãn cách thấp hơn Chỉ thị 16/CT-TTg, mà cần phải thực hiện nghiêm hơn, chặt chẽ hơn nữa. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp trong tỉnh tiếp tục có phương án và sẵn sàng cho kịch bản đối với trường hợp có nhiều ca nhiễm Covid-19 và có kịch bản, phương án sẵn sàng cho tình huống diễn biến dịch theo chiều hướng xấu hơn...