Đồng tình trình Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội ra Quốc hội

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội.

Bổ sung thêm quyền cho cấp quận, thị xã
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Theo đó, khi thực hiện thí điểm thì tại những phường nơi thực hiện thí điểm, HĐND phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc, UBND phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026 được thành lập.
 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Khi thực hiện thí điểm sẽ xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và quận) và cơ quan hành chính tại phường ở khu vực đô thị; mô hình tổ chức ba cấp chính quyền (cấp thành phố; cấp huyện, thị xã và xã, thị trấn) ở khu vực nông thôn. Dự thảo Nghị quyết cũng quy định bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho HĐND quận, thị xã nơi không tổ chức HĐND phường, như quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách phường; điều chỉnh dự toán ngân sách phường trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách phường; quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án trên địa bàn phường theo quy định của pháp luật.
HĐND quận, thị xã nơi không tổ chức HĐND phường cũng sẽ quyết định danh mục các chương trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn phường, chương trình, dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn phường được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở phường; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của UBND phường; giám sát việc thực hiện ngân sách phường đã được HĐND quận, thị xã quyết định.
Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, thị xã nơi không tổ chức HĐND phường cũng sẽ được bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn. Đó là lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương (bao gồm dự toán thu, chi ngân sách các phường), trình HĐND cùng cấp quyết định.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND quận, thị xã nơi không tổ chức HĐND phường cũng đã được bổ sung để đảm bảo hiệu lực quả quản lý, điều hành. Chẳng hạn, Chủ tịch UBND quận, thị xã nơi không tổ chức HĐND phường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định khác của pháp luật có liên quan và được bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn. Đó là bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức, khen thưởng, kỷ luật chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên UBND phường; tuyển dụng, sử dụng, quản lý, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức phường. Công chức phường do UBND quận, thị xã tuyển dụng, quản lý.
 Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Thẩm tra  sơ bộ dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc thí điểm không tổ chức HĐND phường là một chủ trương lớn, quan trọng, mang tính chính trị - xã hội sâu sắc. Dự thảo Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại quận, thị xã thuộc TP Hà Nội do Chính phủ trình được xây dựng dựa trên các cơ sở chính trị - pháp lý và thực tiễn, căn cứ vào các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị, nông thôn; căn cứ vào Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thủ đô và các luật chuyên ngành; căn cứ vào thực tiễn phát triển, quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế của Thủ đô Hà Nội.
Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ 1/6/2020.
Vẫn giữ tên UBND, tránh xáo trộn
Đồng tình với việc trình Quốc hội thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội, các Ủy viên UBTV Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, yêu cầu thực tiễn của việc thực hiện thí điểm. Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND phường, một số ý kiến đề nghị, Chính phủ cần làm rõ nhiệm vụ quyền hạn này sẽ được giao cho HĐND quận (có các thiết chế để thực hiện chức năng đại diện, giám sát). Bên cạnh đó, cần tính đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch UBND phường không tổ chức HĐND khác với thiết chế hiện nay như thế nào? Đặc biệt, cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để nhân dân hiểu rõ và ủng hộ về chủ trương thí điểm này.
 Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga lưu ý trước đây đã thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường ở 10 tỉnh, thành và nay tiếp tục thí điểm ở Hà Nội thì cần chuẩn bị lý giải khi trình ra Quốc hội.
Trước ý kiến của một số thành viên UBTV Quốc hội đề nghị làm rõ mô hình UBND phường khi không có HĐND phường, thực chất khi đó là uỷ ban hành chính chứ không phải UBND, tuy nhiên tên gọi trong dự thảo nghị quyết vẫn ghi UBND, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Thực hiện Kết luận 46 của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ ngành liên quan và TP Hà Nội chuẩn bị cả nội dung thí điểm không tổ chức HĐND phường và cơ chế chính sách đặc thù cho Hà Nội. Tuy nhiên, Chính phủ mới thông qua nội dung thí điểm vì chính sách đặc thù liên quan đến nhiều bộ ngành. Về tên gọi, ngay trong Kết luận 46 cũng thể hiện là UBND phường.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Về tên gọi, đúng là hoạt động của UBND sau này sẽ hoạt động như Ủy ban hành chính nhưng sau khi tính kỹ lưỡng thì quyết định vẫn lấy tên là UBND. Việc này cũng phù hợp với Kết luận trong Kết luận 46 của Bộ Chính trị. Thông tin thêm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, việc này cũng sẽ tiện cho việc luân chuyển cán bộ giữa các phường. Hơn nữa nếu thay đổi tên gọi là Ủy ban hành chính thì toàn bộ hồ sơ lý lịch của dân cư (khoảng 5 triệu người) sẽ phải thay đổi; sổ đỏ, chứng minh thư đã cấp cũng sẽ phải thay đổi sẽ rất phức tạp. Đặc biệt, nếu đổi thành Ủy ban hành chính thì tiến độ xây dựng chính quyền điện tử của thành phố Hà Nội sẽ bị chậm lại. “Để lại tên gọi UBND phường cũng phù hợp với nguyện vọng của người dân”-Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nói. 

Về thẩm quyền, đồng chí cho biết, sau này sẽ tăng thẩm quyền cho tổ đại biểu đại biểu HĐND quận phụ trách phường; tăng cường quyền hạn, nhiệm vụ giám sát của tổ chức chính trị - xã hội là Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. 

“Thành phố Hà Nội rất mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và bổ sung vào nội dung chương trình kỳ họp Quốc hội lần này”-Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh. 

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: Ủy Ban Thường vụ Quốc hội tán thành với tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, trong tờ trình phải làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và yêu cầu thực tiễn của việc thực hiện thí điểm. Đồng chí cũng đề nghị làm rõ quyền hạn của HĐND phường được giao cho HĐND quận; làm rõ chức năng của Chủ tịch UBND phường; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để nhân dân ủng hộ, thống nhất. Đồng chí đề nghị các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ để trình ra kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV để Quốc hội xem xét, quyết định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần