Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng USD chứng kiến một năm mất giá mạnh nhất kể từ năm 2003

Phương Dung (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên giao dịch cuối tuần, cũng là cuối cùng của năm 2017, tỷ giá đồng bạc xanh chạm đáy kể từ ngày 22/9, đồng thời ghi nhận một năm giảm giá tồi tệ nhất kể từ năm 2003 do lo ngại về triển vọng kinh tế Mỹ sau Luật cải cách thuế.

Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất so với các đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ thế giới trong vòng 3 tháng so với các đồng tiền chủ chốt khác trong phiên giao dịch cuối tuần và cũng là cuối năm 2017, khép lại năm lao dốc mạnh nhất kể từ năm 2003 do lo ngại về triển vọng kinh tế Mỹ sau Luật cải cách thuế.
Chỉ số đồng USD, thước đo sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt, đã giảm xuống còn 92,080 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 22/9 và tính chung giảm 9,8% trong năm 2017, mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ năm 2003.
Đồng USD khép lại năm lao dốc mạnh nhất kể từ năm 2003 trong phiên giao dịch ngày 29/12.
Hồi đầu năm 2017, chỉ số USD đã đạt mức cao nhất 14 năm với hy vọng về kế hoạch cắt giảm thuế và tăng chi tiêu vào hạ tầng của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, những trở ngại của gói cải cách thuế lớn nhất trong 30 năm qua của Chính quyền Tổng thống Trump trước khi được thông qua và ký ban hành thành luật đã đẩy đồng USD sụt giảm mạnh trong những tháng đầu năm.
Sau khi chương trình cải cách thuế được Tổng thống Mỹ ký ban hành thành luật, mối nghi ngờ về hiệu quả thực tế của việc cắt giảm thuế đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ lại khiến đồng bạc xanh lao dốc trong tuần cuối năm nay, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 3 lần tăng lãi suất trong năm 2017.
Ngoài ra, việc nhiều nhà đầu tư tổ chức đóng lại danh mục đầu tư của mình vào cuối năm để báo cáo thuế và kết quả hoạt động cũng dẫn đến áp lực đẩy mạnh bán đồng USD, theo các nhà phân tích thị trường.
Hơn nữa, sự phục hồi của đồng euro cũng là một yếu tố đè nặng lên đồng bạc xanh trong năm 2017. Đồng USD cũng giảm so với yên Nhật, bảng Anh, đôla Canada, Krona Thụy Điển và Franc Thụy Sĩ, 5 đồng tiền chủ chốt khác bên cạnh đồng euro trong giỏ tính chỉ số USD trong năm nay.
Sau một năm thể hiện tệ nhất trên thị trường tiền tệ thế giới, đồng USD có thể tiếp tục suy yếu so với các đồng tiền chủ chốt trong năm 2018 khi các nhà đầu tư dự báo các ngân hàng trung ương lớn khác sẽ thu hẹp lại các gói kích thích của họ ngay cả khi FED cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm nữa.
“Đồng USD sẽ phải đối đầu với nhiều cơn gió ngược trong năm 2018”, Chris Gaffney, Chủ tịch của thị trường thế giới tại EverBank ở St. Louis, Missouri nhận định và phân tích rằng, FED sẽ không phải là ngân hàng trung ương duy nhất thắt chặt lại chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, đồng euro tăng khá mạnh, có thời điểm trong phiên giao dịch cuối năm nay đã tăng lên 1,2028 USD, mức cao nhất trong 3 tháng qua. Tuy nhiên, đồng tiền chung đóng cửa ở mức 1,2005 USD. Đồng tiền chung đã tăng 14,2% trong năm, mức tăng cao nhất trong 14 năm qua.
Đồng tiền chung châu Âu đã tăng 14,2% trong năm.
Theo đó, thị trường đang đặt cược rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể cân nhắc việc tăng lãi suất vào cuối năm 2018 do lạm phát và hoạt động kinh doanh của các nước châu Âu mạnh mẽ hơn sẽ đẩy đồng euro tăng giá.
Một trong những bất ngờ trên thị trường năm nay là sự tăng giá chóng mặt của bitcoin và nhiều đồng tiền ảo khác. Mặc dù giảm khá mạnh trong tháng cuối năm, song các đồng tiền ảo đã nhân giá trị lên gấp nhiều lần trong năm qua.
Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác đã phục hồi trở lại trong phiên cuối năm sau 2 phiên giảm liên tiếp mà nguyên nhân một phần cũng do các nhà quản lý tăng cường kiểm soát nhằm hạn chế sự đầu cơ quá mức vào tiền ảo.
Cụ thể, bitcoin tăng 1,18% lên 14.564,76 USD trên sàn giao dịch Bitstamp. Mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với cao kỷ lục gần 20.000 USD thiết lập 12 ngày trước, nhưng nó vẫn tăng tới 1.400% trong năm 2017.
Các thị trường tài chính trên toàn cầu sẽ đóng cửa vào thứ Hai để nghỉ lễ Năm mới.