Đồng USD hạ so với các đồng tiền chủ chốt khác trong rổ tiền tệ thế giới sau khi lập đỉnh 4 tháng ở phiên trước đó trong bối cảnh các nhà đầu tư thận trọng đón đợi quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong ngày 2/5.
Chỉ số đồng USD giảm 0,1% so với hầu hết đồng tiền chủ chốt sau khi chỉ số USD đã tăng 0,66% trong phiên ngày 1/5, thậm chí có thời điểm đã tăng lên 92,57 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 10/1.
Báo cáo mới nhất của Viện quản lý nguồn cung (ISM) cho thấy hoạt động của nhà máy Mỹ chậm lại trong tháng 4, nhưng lại nhấn mạnh sự thiếu hụt công nhân lành nghề và chi phí tăng cao, cho thấy áp lực lạm phát đang tăng lên.
Shinichiro Kadota, chiến lược gia tiền tệ cao cấp tại Barclays Capital ở Tokyo nhận định: “Chúng tôi đang nhìn thấy một sự phục hồi trở lại của đồng USD, vốn chịu sức ép bán khá mạnh kể từ đầu năm. Nếu dữ liệu việc làm sắp tới của Mỹ cho thấy tăng trưởng tốc độ tăng lương nhanh hơn, điều đó sẽ đẩy đồng USD tiếp tục tăng cao hơn”,
Các nhà phân tích cho rằng việc chỉ số USD lần đầu tiên trong năm vượt lên trên đường trung bình 200 ngày đã làm xuất hiện áp lực chốt lời trong ngắn hạn. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng có tâm lý thận trọng chờ quyết định chính sách mới nhất của FED.
FED được dự báo sẽ không đưa ra thay đổi chính sách nào sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày kết thúc ngày 2/5. Tuy nhiên, thị trường kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất lần thứ 2 trong năm nay ngay tại kỳ họp tháng 6 tới, mở đường cho việc tăng lãi suất 4 lần trong năm nay, do kinh tế Mỹ vẫn đang trên đà tăng trưởng vững chắc và lạm phát có dấu hiệu tăng tốc.
Đồng USD đã tăng 2% trong tháng 4, ghi nhận mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 11/2016 sau khi lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên trên ngưỡng 3% và đạt mức cao nhất trong 4 tuần qua.
Bên cạnh đó, đồng bạc xanh còn nhận thêm được lực đẩy mới sau khi đồng euro giảm mạnh xuống thấp nhất 3 tháng do dữ liệu bán lẻ tháng 3 của Đức thấp hơn dự kiến, điều này làm giảm kỳ vọng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ sớm thu lại chính sách kích thích tiền tệ của mình. “Sự suy giảm của đồng euro được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong ngắn hạn trong bối cảnh kỳ vọng ECB bắt đầu thắt chặt tiền tệ sụt giảm”, Masafumi Yamamoto - Giám đốc chiến lược ngoại hối của Chứng khoán Mizuho ở Tokyo cho biết.
So với đồng yen Nhật, USD giảm nhẹ về còn 109,74 JPY/USD sau khi đã tăng lên mức 109,89 JPY/USD, mức cao nhất trong 3 tháng ở phiên trước đó.
Các nhà đầu tư cũng cho rằng, động thái cắt giảm thuế và tăng chi tiêu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, sự kích thích kinh tế bất thường tại thời điểm nền kinh tế đang tăng trưởng vững chắc, có thể làm tăng lạm phát và thúc đẩy tốc độ tăng lãi suất nhanh hơn.
Ngược lại, kỳ vọng về việc tăng lãi suất ở châu Âu đang giảm khi các số liệu kinh tế gần đây cho thấy nền kinh tế khu vực đã có dấu hiệu chùng xuống sau khi tăng trưởng mạnh trong năm ngoái. Đồng euro hiện đang được giao dịch ở mức 1,2004 USD.
Trong khi đó, đồng bảng Anh tiếp tục giảm nhẹ xuống còn 1,3612 USD. Đồng bảng có thời điểm đã rơi xuống còn 1,3588 USD, mức thấp nhất trong 4 tháng sau khi dữ liệu sản xuất yếu hơn dự kiến của Anh được công bố.
Những dữ liệu kinh tế kém khá khả quan gần đây của Anh đã thu hẹp cơ hội tăng lãi suất khi Ngân hàng trung ương Anh nhóm họp vào tuần tới. Hiện thị trường chỉ đặt cược một cơ hội khoảng 15% là ngân hàng sẽ tăng lãi suất, giảm mạnh so với mức 90% đặt cược trong tháng 4.
Về diễn biến một số đồng tiền khác, đôla Australia tăng 0,1% lên 0,7504 USD sau khi đã rơi xuống thấp nhất trong 11 tháng là 0,74725 USD trong giao dịch qua đêm (phiên giao dịch Mỹ). Đôla Canada cũng phục hồi lên mức 1,2831 CAD/USD.