Đồng USD tiếp tục trượt dài, chạm đáy 5 tháng so với yen Nhật

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ giá USD giảm mạnh nhất trong 5 tháng so với đồng yen Nhật trong phiên giao dịch ngày 14/2 trước làn sóng bán tháo đồng bạc xanh do sự thiếu ổn định trên thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn tiếp diễn.

Đồng bạc xanh trong ngày 14/2 giảm giá so với các đồng tiền mạnh khác, chủ yếu so với đồng yen Nhật, do bất định trên thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn tiếp diễn sau đợt giảm mạnh tuần trước. 
Chỉ số ICE U.S. Dollar, đo lường sức mạnh đồng USD với 6 đồng tiền mạnh khác (EUR, JPY, CAD, GBP, SEK, CHF), giảm 0,41% xuống 89,74 điểm. Trong tuần trước, chỉ số này có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2016 trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu có tuần đen tối nhất kể từ 2016.
Đồng bạc xanh mất giá mạnh so với đồng yên Nhật, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017 trước làn sóng bán tháo đồng USD do nhà đầu tư vẫn lo ngại đồng bạc xanh sẽ suy yếu trong thời gian tới. 1 USD đổi được 107,82 yen cuối phiên, giảm so với 108,65 yên cuối phiên thứ Ba.
Đồng yen Nhật tăng giá bất chấp các quan chức cấp cao chính phủ Nhật Bản tái khẳng định sự tin tưởng đối với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda vào ngày 13/2, làm tăng kỳ vọng ông sẽ được tái chỉ định cho nhiệm kỳ thứ 2 và ra dấu hiệu chính sách tiền tệ siêu nới lỏng có thể tiếp tục duy trì.
 Đồng bạc xanh nầy 14/2 giảm so với các đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ quốc tế sau khi phục hồi trong tuần trước.
Đồng USD cũng giảm giá so với đồng franc Thụy Sỹ xuống mức 0,9350 franc so với 0,9394 franc cuối phiên thứ Hai tại thị trường New York.
Cả đồng yên Nhật và franc Thụy Sỹ tăng giá trong tuần trước khi nhà đầu tư tìm nơi “tránh bão” khi thị trường chứng khoán lao dốc. Đây là hai đồng tiền thường được cho là “kênh trú ẩn” khi có biến động về kinh tế và tài chính.
Tỷ giá yen Nhật đã tăng 1,5% so với đồng bạc xanh trong tháng 1 nhờ hưởng lợi khi nhà đầu tư đổ xô trú ẩn vào đồng tiền này trong đợt điều chỉnh của thị trường chứng khoán vừa qua.
Giới đầu tư đang chú ý tới số liệu lạm phát ở Mỹ, dự kiến được công bố vào ngày 14/2. Đây sẽ là chỉ báo cho việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất trong tháng 3 tới.
Các thành viên thị trường cũng đang đánh giá đề xuất ngân sách trị giá 4.400 tỷ USD cho năm tài khóa 2019 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo đó chi tiêu cho quân sự và an ninh biên giới sẽ tăng và ngân sách cho nhiều chương trình xã hội sẽ bị thu hẹp.
Marshall Gittler, chiến lược gia trưởng tại ACLS Global, cho rằng kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của Tổng thống Trump gây thất vọng. “Điều này gây áp lực đối với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và cùng với đó tạo áp lực giảm đối với đồng USD”.
Trong khi đó, tỷ giá bảng Anh có lúc tăng giá lên mức 1,3925 USD sau khi số liệu lạm phát tăng mạnh hơn dự báo, và cuối phiên thu hẹp đà tăng còn 1,3890 USD. Số liệu mới công bố cho thấy lạm phát tháng 1 ở Anh bất ngờ duy trì gần mức cao nhất 6 năm qua, củng cố thêm niềm tin của nhà đầu tư răng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ tăng lãi suất lần nữa vào tháng 5.
Đồng euro tăng 0,4% so với USD lên mức 1,2352 USD so với 1,2293 USD cuối phiên thứ Ba.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần