Đột phá cổ phần hóa

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực tế cho thấy, quá trình cổ phần hóa (CPH) DN nhà nước (DNNN) thời gian qua khá chậm trễ và chưa thực sự đạt mục tiêu đề ra.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện CPH cũng bộc lộ nhiều điều đáng quan ngại về thất thoát tài sản công, kể cả hiện tượng tư nhân hóa ngầm các DNNN... Thực tế này xuất phát từ một số ít cổ đông đặc biệt, vốn là các lãnh đạo cấp cao của DNNN hoặc người nhà của họ, tạo ra thế hệ “đại gia” gia đình trị, giàu có và giàu nhanh đến bất ngờ nhờ “hớt lộc” CPH DNNN…

Ngoài lý do khách quan, tình trạng trên có nguyên nhân lấn cấn về nhận thức, né tránh và e ngại cạnh tranh thị trường, hụt hẫng và “tâm tư” về lợi ích; do sự bấp cập trong chính sách hoặc lạm dụng kẽ hở luật định, sự không tuân thủ đúng hoặc mập mờ, gian lận trong tính toán giá trị và tổ chức CPH… Việc giao chính lãnh đạo DNNN tiến hành CPH trong nhiều trường hợp vô hình đã vô hiệu hóa hay hình thức hóa các khâu thẩm định, đánh giá và phản biện khách quan trong xây dựng và quyết định phương án CPH...

Từ ngày 15/2/2017 đến hết năm 2020, tất cả 240 DNNN hiện có sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp, CPH theo tiêu chí phân loại danh mục và tỷ lệ vốn Nhà nước cụ thể cho từng DN theo tinh thần Quyết định số 58/2016/QĐ-Ttg. Quyết định mới trên có những điểm đột phá quan trọng: Nhà nước thu hẹp số DN nắm giữ 100% vốn điều lệ (chỉ còn ở 103 DN trong 11 lĩnh vực xổ số, ngân hàng, truyền tải, điều độ hệ thống điện, sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ, quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, quản lý không lưu, in tiền…) và linh hoạt các tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ (với 4 DN trên 65%; 27 DN trên 50% đến dưới 65% và 106 DN dưới 50%) trong các DN thuộc lĩnh vực khác. Cách thức CPH cũng sẽ đổi mới với việc bãi bỏ các hạn chế đối với lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và không yêu cầu bán hết ngay theo kế hoạch, mà sau khi CPH vẫn còn vốn Nhà nước thì DN tiếp tục niêm yết trên sàn để tự bán. DNNN thực hiện CPH phải đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán khi đủ điều kiện trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng…

Đặc biệt, việc nêu rõ danh mục từng DN với các mức tỷ lệ nắm vốn và trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, tập đoàn và địa phương trong xác định lộ trình và thời hạn hoàn tất các công việc đã tạo cơ sở và áp lực pháp lý thống nhất chấm dứt chuyện chậm trễ CPH DNNN do các bên liên quan trì hoãn thực hiện hoặc viện cớ lạm dụng mục tiêu công ích để xin điều chỉnh tỷ lệ vốn cổ phần vì lợi ích nhóm, cục bộ, địa phương…

Thực tế đã, đang và sẽ còn cho thấy, quá trình sắp xếp, đổi mới và CPH DNNN chỉ được đẩy nhanh, đúng hướng và có hiệu quả cao nhất khi và chỉ khi có đột phá cơ chế phù hợp trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường và xử lý hài hòa lợi ích. Trong đó kiên quyết chống lợi ích nhóm bất minh, bất hợp pháp và phải thực sự coi trọng mục tiêu phát triển bền vững quốc gia…