Đột phá thúc đẩy phát triển công nghệ robotics

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những đặc trưng cơ bản của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự kết nối: Kết nối giữa thế giới thực và thế giới ảo; Kết nối vạn vật qua Internet; Kết nối liên ngành, lĩnh vực trong khoa học và công nghệ...

Chính sự kết nối này là động lực để Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại những đột phá và biến đổi về bản chất trong quá trình phát triển.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã khẳng định tại Hội thảo chuyên đề “Công nghệ Robotics - Mechatronics trong cách mạng công nghiệp 4.0: Nhu cầu và giải pháp cho DN Việt Nam”.
 

Lãnh đạo các Bộ cùng các nhà khoa học, chuyên gia trao đổi, chia sẻ tại hội thảo.

Hội thảo còn là sự gợi mở về một nền công nghiệp mới, nền công nghiệp sản xuất robot với giá trị ước tính khoảng 70 tỉ USD/năm và sẽ phát triển mạnh mẽ trong vòng 10 năm tới. Nhiều chuyên gia cho rằng, tăng cường liên kết giữa các nhà khoa học nước ngoài với các trường đại học, viện khoa học trong nước sẽ là giải pháp căn cơ để thúc đẩy hơn nữa việc phát triển công nghệ robotics và Mechatronics (Công nghệ robot – Cơ điện tử) vào nhiều ngành nghề tại Việt Nam.
Theo TS. Hoàng Việt Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp, ứng dụng công nghệ robot và tự động hóa có thể giúp giải phóng sức lao động, tăng năng suất. Nhưng thực tế còn gặp rất nhiều khó khăn, như: Bài toán nhân sự, vốn đầu tư cho hệ thống công nghệ, trình độ kỹ thuật tại các cơ sở còn thiếu đồng bộ từ sản xuất đến kho bãi... “Vì vậy, cần có sự liên kết chặt hơn nữa giữa các chuyên gia nước ngoài với trong nước để đưa công nghệ mới, tự động hóa vào trong quá trình sản xuất công nghệ của Việt Nam”, TS. Hoàng Việt Hồng nhấn mạnh.
Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Vinfast cho biết, công nghệ tại nhà máy Vinfast là công nghệ của những công ty hàng đầu của Đức, ví dụ nhà máy hàn thân xe có 1.200 robot khác nhau. “Tới đây, Vinfast sẽ cho ra đời dòng sản phẩm ô tô thương hiệu Việt Nam, chất lượng Châu Âu và cạnh tranh được với xe nhập khẩu và hướng đến xuất khẩu trong tương lai. Nhưng để làm được điều đó, chúng tôi chọn con đường đi thẳng vào ứng dụng công nghiệp 4.0”, ông Huệ nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng, cần có bước đi cụ thể, phù hợp để đảm bảo đón nhận thành công những cơ hội mà Công nghệ robot & Cơ điện tử mang lại. Đồng thời mong muốn, cần sớm có những hành động, đề tài, dự án cụ thể, thiết thực để cùng phối hợp triển khai thực hiện, làm cơ sở hình thành các mạng lưới liên kết trong lĩnh vực Robotics - Mechatronics.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần