Đột phá từ các nghị quyết chuyên đề

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rõ trọng tâm, trọng điểm cùng với các giải pháp cụ thể, những năm qua, các nghị quyết chuyên đề đã giúp Hà Nội giải quyết hiệu quả, kịp thời những vấn đề khó khăn từ thực tiễn, tạo tiền đề quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững.

 Nghị quyết chuyên đề số 06 về phát triển du lịch đã và đang giúp ngành du lịch Thủ đô gặt hái được nhiều thành công. (Trong ảnh: Khách du lịch tham quan phố cổ Hà Nội). Ảnh: Công Hùng
Giải quyết những việc khó
Khi Nghị quyết 09 về “Tăng cường công tác xây dựng Ðảng và các đoàn thể Nhân dân trong các DN ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội” của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khóa XV mới ra đời (năm 2012), nhiều DN khu vực ngoài Nhà nước, thậm chí không ít cấp ủy lo ngại Nghị quyết khó đi vào cuộc sống. Bởi lẽ giữa giai đoạn kinh tế khó khăn, các DN chỉ tập trung đến lo duy trì sản xuất, kinh doanh.
Nhưng bằng cách làm bài bản, Thành ủy Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của chủ DN để họ tự nguyện phấn đấu. Cùng với đó, các tổ chức cũng kịp thời phối hợp chủ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh. Với cách làm kiên trì nhưng quyết liệt, dần dần cả chủ DN và người lao động đều nhận thấy được vai trò tổ chức Đảng đối với hoạt động của đơn vị.

Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết này, từ lúc chỉ có hơn 700 tổ chức Đảng, chủ yếu thuộc các DN Nhà nước sau cổ phần hóa, đến nay, TP đã thành lập mới được 1.047 tổ chức Đảng, nâng tổng số tổ chức Đảng DN ngoài Nhà nước của Hà Nội lên 1.798; kết nạp mới 6.739 đảng viên, trong đó có 25 đảng viên là chủ DN. Cùng với đó là 2.484 tổ chức công đoàn, 886 tổ chức đoàn thanh niên, đã giúp Hà Nội đi đầu cả nước cả về số lượng, cũng như chất lượng trong lĩnh vực khó này.

Một Nghị quyết chuyên đề nữa cũng được Ban Thường vụ Thành ủy khóa XV triển khai hiệu quả là Nghị quyết 06 ngày 30/10/2011, về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2010 - 2015”. Từ năm 2011 - 2015, Hà Nội đã đầu tư 1.276,5 tỷ đồng cho 202 công trình; đồng thời, kêu gọi các quận nội thành đăng ký hỗ trợ đầu tư 46 công trình nhà văn hóa thôn với số tiền 92 tỷ đồng và 5 dự án nâng cấp điện với tổng đầu tư 101 tỷ đồng cho vùng khó khăn. Nhờ nguồn lực đầu tư này, đến nay tốc độ phát triển kinh tế ở các xã vùng dân tộc, miền núi bình quân hàng năm hơn 12%.

Từ kinh nghiệm quan trọng trong việc xây dựng, thực hiện hai Nghị quyết chuyên đề này, tới Khóa XVI (nhiệm kỳ 2015 – 2020), lần lượt các Nghị quyết chuyên đề số 06 về phát triển du lịch, Nghị quyết chuyên đề số 08 về giải phóng mặt bằng, Nghị quyết số 11 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường và Nghị quyết số 15 về củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, đã được ban hành, đạt hiệu quả cao trong thực tiễn.
Nhờ được tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cho nên nhiều việc trước đây coi là của chính quyền, nay đã được “tiếp sức”, tạo chuyển biến mạnh mẽ. Như chỉ sau hai năm thực hiện Nghị quyết 06 về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”, khách du lịch đến Hà Nội đạt 23,83 triệu lượt, tăng 9% so với năm 2016 và chiếm 27,1% cả nước. Tổng thu từ khách du lịch đạt gần 71.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016.

Hiệu quả bền vững

Hiệu quả của các nghị quyết chuyên đề không chỉ giúp nhiều cấp ủy, giải quyết kịp thời những khó khăn trước mắt mà còn tạo tiền đề quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững.

Một nghị quyết chuyên đề quan trọng trong nhiệm kỳ này là Nghị quyết số 15, ban hành ngày 4/7/2017 “về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội" đang được Thành ủy Hà Nội tập trung chỉ đạo và từng bước đi vào cuộc sống. Với sự vào cuộc quyết liệt, thậm chí phải xử lý kỷ luật cán bộ, đến nay, 82/164 vụ việc nổi cộm đã được giải quyết xong; có 5 quận, huyện giải quyết xong toàn bộ các vụ việc. Nhiều quận, huyện còn rà soát các vụ việc tiềm ẩn nguy cơ phức tạp ở địa bàn mình để đôn đốc, chủ động các giải pháp xử lý, tạo sự ổn định ngay từ cơ sở.

Không chỉ ở cấp TP, tại nhiều địa phương. Việc lựa chọn lĩnh vực, vấn đề nào để xây dựng nghị quyết được các cấp ủy cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị, không còn tình trạng xây dựng nghị quyết chuyên đề cho đủ, tính khả thi không cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, như nhận định Thành ủy Hà Nội, các Nghị quyết chuyên đề vẫn cần các giải pháp thực hiện hiệu quả hơn. Ðơn cử như “dư địa” để phát triển thêm các tổ chức Đảng tại DN ngoài khu vực Nhà nước còn nhiều, nhưng kết quả còn mức độ, trong khi chất lượng hoạt động có nơi, có chỗ còn hình thức. Hay tiềm năng về di tích, văn hóa đa dạng của Thủ đô cũng chưa được khai thác tương xứng để phục vụ du lịch. Từ những hạn chế đã được nhận diện rõ và kinh nghiệm đã có trong thời gian qua, thời gian tới, việc thực hiện các Nghị quyết chuyên đề sẽ tiếp tục giúp Hà Nội phát triển bền vững hơn.