Đốt rơm rạ sau thu hoạch: Lợi bất cập hại

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đốt rơm rạ sau mỗi mùa gặt tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây lãng phí. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp diễn nhiều năm tại các vùng ngoại thành Hà Nội.

 Bà Hoàng Thị Hương, Ngọc Mỹ, Thanh Oai đang đốt rơm trên thửa ruộng của gia đình. Ảnh: Phương Nga
Trên cánh đồng thôn Tiên Mai, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, bà Nguyễn Thị Hằng đang miệt mài cào rơm thành các đống nhỏ để đốt. Vụ Mùa năm nay, gia đình bà cấy 7 sào ruộng, hiện đã thu hoạch xong và đang tiến hành dọn ruộng để chuẩn bị làm đất cho vụ sau. Do không có người làm nên toàn bộ phần rơm sau thu hoạch bà đốt ngay tại ruộng. “Đốt như thế này vừa không tốn công mà lại tiêu diệt được mầm mống dịch bệnh trên ruộng, còn phần tro bón cho ruộng rất tốt” – bà Hằng giải thích.
Tương tự, hộ nhà chị Hoàng Thị Hương thôn Thượng Mỹ, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai cũng tiến hành đốt bỏ toàn bộ phần rơm rạ của một mẫu ruộng. Chị Hương cho biết, ở đây đa phần nhà nào cũng đốt rơm rạ. "Trước kia rơm còn dùng để đun nấu, cho trâu bò ăn, nhưng giờ dùng toàn bằng bếp gas, lại không nuôi trâu bò nên đốt bỏ rơm ngay tại ruộng".

Theo số liệu thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, ước tính mỗi năm, trên địa bàn TP phát sinh trên 1 triệu tấn rơm, rạ, phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó, có trên 37% được người dân đốt bỏ ngay tại ruộng. Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, việc đốt rơm rạ không những không đem lại lợi ích mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, làm lãng phí một nguồn nguyên liệu để tái chế làm phân bón sinh học. Quá trình đốt rơm rạ ngay trên đồng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất. Khói bụi từ việc đốt rơm rạ là một loại ô nhiễm rất đang lo ngại.
Bên cạnh đó, khói đốt rơm rạ cản trở tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cũng như ảnh hưởng tới kết cấu đường.

Theo ông Thái, để xử lý hiệu quả nguồn nguyên liệu này, người dân có thể thu gom lại bán cho các cơ sở làm nấm hoặc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý thành phân bón vi sinh, tái phục vụ sản xuất. Sản phẩm sau xử lý rất tốt cho cây trồng, giúp cây phát triển nhanh, tăng năng suất từ 10 – 15% so với cách canh tác truyền thống, đồng thời góp phần giảm chi phí sản xuất, chống các loại sâu bệnh thường gặp trên cây lúa.