Dow Jones “bay” gần 400 điểm do căng thẳng địa chính trị và lo ngại suy thoái

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall sụt giảm mạnh trong phiên 12/8 khi nhà đầu tư lo ngại về bất ổn địa chính trị và kinh tế toàn cầu suy thoái.

Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/8 trong sắc đỏ khi lợi suất trái phiếu tiếp tục rơi vào suy thoái, qua đó làm dấy lên lo ngại về tình trạng của nền kinh tế.
Các chỉ số chính của Phố Wall sụt điểm mạnh trong phiên bán tháo trên diện rộng, khi căng thẳng địa chính trị khiến nhà đầu tư cổ phiếu hoảng sợ và lợi suất trái phiếu giảm sâu. Cùng với đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng nguy cơ về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
 Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/8 trong sắc đỏ.
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm mạnh khi chốt phiên ngày 12/8.Yếu tố gây sức ép đến chứng khoán Phố Wall trong phiên này là các cuộc biểu tình căng thẳng ở Hồng Kông, khiến cho tâm lý nhà đầu tư hoang mang hơn bởi cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung kéo dài. Sân bay quốc tế Hồng Kông đã hủy tất cả chuyến bay khởi hành trong thời gian còn lại của ngày, do sự gián đoạn nghiêm trọng vì các cuộc biểu tình.
Góp phần làm tăng rủi ro địa chính trị là kết quả cuộc bầu của ở Argentina, vốn đã khiến thị trường bất ngờ khi đương kim Tổng thống Mauricio Macri không giành được nhiều số phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Kết quả này đã dẫn đến động thái bán tháo đồng Peso và chứng khoán Argentina, “bốc hơi” 30%.
"Thị trường cổ phiếu bán tháo vì thị trường trái phiếu đang tăng chóng mặt", Giám đốc giao dịch Brian Battle của Performance Trust Capital Partners nhận xét. "Các nhà đầu tư đang đổ xô mua các tài sản an toàn vì có nhiều bất ổn chính trị. Trái phiếu chính phủ và vàng hưởng lợi trong môi trường chính trị hiện tại”.
Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2010, theo dữ liệu của Refinitiv. Giá vàng thế giới tăng khoảng 1%, đạt mức cao nhất hơn 6 năm.
Trong khi đó, hôm 11/8, ngân hàng Mỹ Goldman Sachs dự báo guy cơ suy thoái kinh tế Mỹ và thế giới đang gia tăng do thương chiến Mỹ - Trung kéo dài.
Nhà quản lý danh mục Paul Nolte thuộc Kingsview Asset Management nhận xét: “Nhà đầu tư đang nhận ra rằng những sự kiện xảy ra bên ngoài biên giới Mỹ đang có ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và cả kinh tế Mỹ. Thị trường cho rằng cho dù lãi suất có hạ về đâu thì cũng khó mà khắc phục được những vấn đề do thương chiến gây ra".
Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 391 điểm, tương đương 1,49%, còn 25.896,44 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 35,96 điểm, khoảng 1,23%, còn 2.882,69 điểm và chỉ số Nasdaq  hạ 95,73 điểm, tương đương 1,2%, còn 7.863,41 điểm.
Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 đều chốt phiên trong trạng thái giảm, trong đó mức giảm mạnh nhất thuộc về các nhóm tài chính, vật tư, năng lượng, và tiêu dùng không thiết yếu.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 2,33 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,1 lần.
Có tổng cộng 6,09 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 7,24 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất./.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần