Dự án BT đổi đất lấy hạ tầng: Minh bạch để chặn lợi ích nhóm

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), nhà đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng xong mới được cơ quan Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện dự án khác.

Thế nhưng, nhiều khi, việc giao đất thậm chí còn được thực hiện trước khi công trình hoàn thành. Thực tế ngược này đã được nêu ra tại Hội thảo Cơ chế đầu tư BT do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức ngày 19/10. 
Hầu hết dự án được chỉ định thầu

Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - KTNN Trương Hải Yến cho biết, sau khi kiểm toán tại 21 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính trên 3.815 tỷ đồng, tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán. Kết quả này chỉ ra, một số chi phí trong tổng mức đầu tư lập cao so với thực tế và quy định, thiếu căn cứ, chưa chú trọng cắt giảm chi phí nhằm chiếm dụng tiền ngân sách Nhà nước. Theo bà Yến, việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Cụ thể, quy định có nhắc tới việc vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 10% hoặc 15% tổng vốn đầu tư. Với tỷ lệ trên, phần lớn vốn còn lại là vốn đầu tư của Nhà nước hoặc vốn vay huy động của nhà đầu tư. “Hiện, chưa có quy định về thời điểm nhà đầu tư phải góp đủ số vốn chủ sở hữu dẫn đến các đơn vị này không bị bắt buộc phải góp đủ vốn theo tỷ lệ tối thiểu tại mọi thời điểm. Điều này khiến nhiều dự án chủ yếu được thực hiện bằng vốn vay ngân hàng, làm tăng giá trị dự án BT, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện" - bà Yến nhấn mạnh. Như vậy, thực chất gần như toàn bộ dự án (khoảng 85%) là vốn của Nhà nước hoặc là vốn Nhà nước đi vay với mức lãi suất cao hơn lãi suất huy động để đầu tư thực hiện dự án.

Công trình nâng cấp tỉnh lộ 39B Thái Bình đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Ảnh: Tuấn Anh

Ngoài ra, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra rằng, hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu mà không thực hiện đấu thầu để chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án. Việc chỉ định thầu đã làm giảm sự cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư.

Định giá đất vàng tù mù?

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc chỉ ra rằng, bản chất của BT là thay vì trả tiền từ túi người dân, BT là các dự án đầu tư công được thanh toán bằng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, giá những khu đất dùng để thanh toán được định giá thấp hơn thị trường trong khi đây đều là quỹ đất vàng. Điều này đang khiến Nhà nước “thiệt đơn thiệt kép” và dễ khiến xuất hiện lợi ích nhóm.

Cùng quan điểm, TS Phạm Quang Tú - chuyên gia Oxfam Việt Nam nói thêm, việc thanh toán đất cho nhà đầu tư được thực hiện trước khi công trình hoàn thành, thậm chí còn trước khi dự án được bắt đầu. Giá đất tại thời điểm đó thường rất thấp, phần lớn còn là đất nông nghiệp. Sau khi có công trình, đất quanh khu vực này bỗng từ đất nông nghiệp thành đất đô thị với giá trị tăng cả chục, cả trăm lần. “Nhà đầu tư thậm chí chỉ cần bán đất nền thì đã có chênh lệch cực kỳ lớn”- ông Tú nói.

Giải pháp mà các đại biểu đưa ra để hạn chế những thất thoát khi phê duyệt và triển khai dự án BT là cần giới hạn phạm vi áp dụng đầu tư theo hình thức BT. Cụ thể, chỉ áp dụng tại các địa phương kém phát triển, nguồn thu ngân sách yếu, hạ tầng chưa đủ để thu hút đầu tư. Tại các địa phương có hạ tầng phát triển tốt thì không dùng BT mà phải thực hiện cơ chế Nhà nước đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng, khuyến khích đầu tư công tư đối tác theo các hình thức khác (BOT, BTO, BOO, BTL…). Nếu đã triển khai dự án BT, không cho phép giao đất để trả cho nhà đầu tư hạ tầng trước khi nghiệm thu, hoàn thành đánh giá chất lượng, định giá giá trị; công khai, minh bạch toàn bộ thông tin về dự án, tạo cơ chế để người dân địa phương tham gia giám sát…

Giá đất của các khu đất thanh toán cho các hợp đồng BT thường thấp hơn giá thị trường do không thông qua đấu giá. Việc giao đất đã giải phóng mặt bằng không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở của việc xin - cho, gây thất thoát ngân sách.

Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - KTNN Trương Hải Yến

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần