Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: Phát lộ thêm nhiều sai phạm

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sức nóng của câu chuyện tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, thuộc gói thầu số 4 và số 6 vừa đưa vào khai thác đã hư hỏng, bong tróc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, theo thông tin mà báo Kinh tế & Đô thị có được, một gói thầu khác thuộc dự án này cũng bị phát hiện “có vấn đề” từ nhiều tháng trước.

Bán toàn bộ gói thầu A5 cho nhà thầu phụ
Cụ thể, trong Biên bản thanh tra số 39/BBTTr-T1 ngày 12/4/2017 của Đoàn Thanh tra thuộc Bộ GTVT thanh tra về việc thực hiện gói thầu số A5 (đoạn Km124+700 – Km139+204) thuộc nguồn vốn WB – Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã chỉ ra nhiều sai phạm. Đầu tiên là những tồn tại trong công tác thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công. Biên bản của Đoàn Thanh tra cho biết, bản vẽ thiết kế kỹ thuật không đạt yêu cầu về độ chặt của lớp đắp vật liệu gia tải, lớp đệm cát khô; các bản vẽ thi công không lập theo quy cách trong chỉ dẫn kỹ thuật của dự án; một số hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được Chủ đầu tư phê duyệt không đúng theo mẫu, không ghi ngày tháng; đơn vị chưa cung cấp hồ sơ chấp thuận năng lực, danh sách nhân sự thực hiện công tác khảo sát địa hình, địa chất...
 Những điểm hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi rất nguy hiểm cho các phương tiện giao thông. Ảnh: Quý Nguyễn
Đặc biệt, đơn vị thực hiện gói thầu là Công ty Posco Engineering & Construction Co., Ltd (Posco) đã bán toàn bộ 100% giá trị gói thầu có giá trị hợp đồng xây lắp lên tới 1.400 tỷ đồng cho 17 nhà thầu phụ Việt Nam. Điều đáng nói, trong số đó có cả nhà thầu không đủ năng lực. Đó là trường hợp của liên danh Thiên An và Vinaconex, được bán gói thầu trị giá hơn 597 tỷ đồng theo Hợp đồng kinh tế số 2015-CF0040 ngày 8/4/2015. Biên bản thanh tra số 39/BBTTr-T1 ghi rõ, sau khi thi công hạng mục cọc khoan nhồi tại 3 cầu Trà Khúc, VD12, OP24a, nhà thầu Posco có văn bản yêu cầu Liên danh nhà thầu trên dừng thi công do không đủ năng lực. Sau đó, Posco tiếp tục bán gói thầu này cho Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng INCICO để đơn vị này tiếp tục thi công phần việc còn lại. Tổng giá trị hợp đồng sau khi được điều chỉnh là hơn 118 tỷ đồng. Đoàn Thanh tra nhận xét, sau khi ký hợp đồng với chủ đầu tư, Posco đã không thực hiện thi công mà ký hợp đồng thuê nhà thầu phụ thi công 100% toàn bộ các hạng mục công việc. Trong số này có 6 nhà thầu phụ được Posco ký hợp đồng khi đã có thư đề nghị của Tư vấn giám sát nhưng chưa có thư trả lời của chủ đầu tư. Ngoài ra, còn có 3 nhà thầu phụ khác vẫn được ký hợp đồng thuê thi công, khi không có sự chấp thuận của chủ đầu tư. Cả 3 trường hợp này sau đó Posco đã cho dừng thi công.
 Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm chính về những hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Về chất lượng công trình, Đoàn Thanh tra cũng phát hiện có một số tồn tại như nhật ký thi công ghi chưa đầy đủ; thiếu một số thí nghiệm tần suất cát, đá dùng cho bê tông xi măng...

Bộ GTVT cũng phải chịu trách nhiệm

Nhận định về tình trạng hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi gây xôn xao dư luận trong thời gian qua, TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng Công trình Xây dựng, Bộ Xây dựng khẳng định, những sai phạm này cần phải làm rõ và xử lý nghiêm để làm gương cho các dự án khác.

"Các dự án có nguồn vốn từ ngân sách, nguồn vốn của Nhà nước đi vay từ nước ngoài quan trọng như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, việc tổ chức đấu thầu phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt từ phía chủ đầu tư theo Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu. Về nguyên tắc, không thể có chuyện nhà thầu chính chuyển nhượng toàn bộ (100%) khối lượng thi công trình cho nhà thầu phụ." - Luật sư Lê Cao - Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng


Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn cho biết: Từ những thông tin vừa qua mà báo chí lẫn cả người dân lên tiếng thì rõ ràng có cơ sở để người dân nghi ngờ có sự khuất tất trong dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Chính sự khuất tất này dẫn đến chất lượng công trình phải nghi ngờ và bước đầu đã lộ diện. (Quang Hải ghi)

“Tuyến cao tốc mới đưa vào sử dụng được một tháng đã hư hỏng thì không thể dùng bất kể lý do khách quan gì để biện minh được. Dù lỗi là của cá nhân, đơn vị nào đi chăng nữa thì chủ đầu tư vẫn phải chịu trách nhiệm chính” - TS Trần Chủng nói.

TS Trần Chủng cũng cho rằng, hư hỏng mặt đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi không chỉ là vấn đề chất lượng công trình mà còn tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông trên tuyến. Bởi, với đặc trưng của đường cao tốc, tốc độ khai thác có thể lên tới 120km/h thì luôn đòi hỏi những yêu cầu rất khắt khe về độ bằng phẳng, êm thuận, bám dính mặt đường và có các tiêu chuẩn để kiểm soát chặt. Về trách nhiệm liên đới đến những vấn đề đang xảy ra ở dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, theo TS Trần Chủng, ngoài chủ đầu tư, Bộ GTVT với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp nhưng chậm trong xử lý, chỉ đạo cũng phải chịu trách nhiệm. “Dù không phải tất cả lỗi đều phát hiện ra được, nhưng cần xem lại hồ sơ nghiệm thu, xem các thông số kiểm tra, rà soát ra sao... Khi đã chỉ rõ lỗi do đâu, trách nhiệm các bên thế nào cần phải công khai những điều đó” - TS Trần Chủng nói.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng cho rằng, cần phải kiểm tra lại từ đầu đối với dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi để làm rõ trách nhiệm người đứng đầu. Việc đánh giá này cần có một cơ quan độc lập để đảm bảo tính khách quan. Về cách xử lý của Bộ GTVT đối với những vấn đề của dự án này, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, Bộ GTVT vẫn chưa cho thấy thái độ nhận trách nhiệm trong việc này dù sự cố xảy ra ở cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là nghiêm trọng. “Mới đây, khi trả lời trên truyền hình, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vẫn còn khẳng định Hội đồng nghiệm thu Nhà nước làm đúng, khi nghiệm thu cao tốc này. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đưa ra con số hư hỏng là rất nhỏ thì tôi cho là không thể chấp nhận được” - đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần