Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được cấp thêm gói tín dụng hơn 6.600 tỷ đồng

HUY CHƯƠNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/12/2019 tại tỉnh Tiền Giang, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và các ngân hàng hợp vốn chính thức ký kết hợp đồng tín dụng và các văn kiện cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT với Công ty CP cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận giá trị 6.686 tỷ đồng

Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sau khi chuyển Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang, loại bỏ các cổ đông yếu kém, tổng vốn đầu tư tăng lên mức 12.668 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp 2.186 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác cam kết đạt tối thiểu 3.400 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả tham gia điều hành… Do đó, Hợp đồng tín dụng đã ký giữa doanh nghiệp dự án và 4 ngân hàng từ năm 2018 cần được thay thế để phù hợp với tình hình thực tế.

Từ sau khi phương án tài chính mới được ban hành theo QĐ số 2463/QĐ-UBND ngày 2/8/2019, VietinBank tiếp tục làm đầu mối, cùng với BIDV, Agribank và VPBank khẩn trương thẩm định lại và hoàn thành báo cáo thẩm định chung từ 18/11/2019, tiến tới đã hoàn tất các khâu còn lại trong tháng 12/2019 theo quy trình cấp tín dụng, phù hợp với năng lực, điều kiện của từng ngân hàng. Tổng vốn cam kết cho vay của các ngân hàng cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là 6.686 tỷ đồng, trong đó: VietinBank là 3.300 tỷ đồng, BIDV là 1.500 tỷ đồng, AgriBank là 1.000 tỷ đồng và VPBank là 886 tỷ đồng.

 Lễ ký kết hợp đồng tín dụng và các văn kiện cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT.

Ông Trần Minh Bình - Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc VietinBank cho biết: “Hiểu rõ được tầm quan trọng của tuyến cao tốc huyết mạch này với sự phát triển của đất nước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những ý kiến chỉ đạo để 4 Ngân hàng bám sát dự án nhằm đóng góp ý kiến và đồng hành cùng doanh nghiệp dự án và UBND tỉnh Tiền Giang trong quá trình xây dựng lại phương án tài chính, cũng như thường xuyên làm việc và thảo luận với doanh nghiệp dự án cùng các bên có liên quan để hoàn thành Báo cáo thẩm định chung theo tinh thần là vừa phù hợp với các nội dung của dự án đã được phê duyệt lại, đảm bảo cung ứng vốn vay kịp với tiến độ thi công khẩn trương, vừa phù hợp với các quy định, quy trình của NHNN và pháp luật có liên quan”.

Ông Bình hy vọng rằng:“Dự án sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, đồng thời đề nghị doanh nghiệp dự án tổ chức công trường, chỉ đạo các đơn vị thi công theo đúng phương án thi công đã được duyệt; phối hợp chặt chẽ với 4 ngân hàng cho vay hợp vốn trong quá trình giải ngân theo quy định vào các hạng mục công trình, đảm bảo hoàn thành mục tiêu thông tuyến trong năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Sau khi hợp đồng tín dụng được ký kết, đại diện chủ đầu tư dự án cho  cam kết răng: Với hợp đồng tín dụng và các văn kiện tín dụng này, chủ đầu tư sẽ kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc các thủ tục pháp lý cần thiết để Cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tỉnh Tiền Giang và các bên thực hiện, tránh việc ký mà không giải ngân được vốn làm ảnh hưởng đến dự án.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần