Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Tiến độ lại... mắc kẹt

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã nhiều lần vỡ tiến độ, nay Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông tiếp tục chưa hẹn ngày về đích. Theo đề nghị từ phía tổng thầu và tư vấn giám sát của dự án, lịch làm việc chính thức sẽ dời từ 1/2 sang 8/2 - chậm hơn một tuần so với kế hoạch ban đầu.

Xem xét gia hạn thời hạn trả nợ gốc phần vốn cho vay lại

Ngay trước thềm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, người dân Thủ đô đón nhận một tin không vui liên quan đến tiến độ dự án này, đó là “deadline” hoàn tất chạy thử nghiệm để chuyển sang khai thác thương mại vào ngày 31/12/2019 đã không thể thực hiện được.
Kỳ nghỉ Tết cổ truyền đến, với sự tương đồng về văn hóa giữa hai quốc gia, trong đó có tục đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, hàng trăm nhân sự người Trung Quốc, trong đó có nhiều chuyên gia đã trở về quê nghỉ Tết. Theo lịch thì đến ngày 1/2, toàn bộ những người này sẽ trở lại Hà Nội để tiếp tục công việc còn dang dở tại Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
 Tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong thời gian chạy thử nghiệm giữa năm 2019. Ảnh: Phạm Hùng
Tuy nhiên, ngay trước ngày làm việc chính thức trên đúng một hôm, vào ngày 31/1, Bộ GTVT tổ chức họp giao ban và trong buổi họp này, lãnh đạo Bộ một lần nữa báo tin... lùi lịch làm việc của Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sau kỳ nghỉ Tết bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây nên.
Hiện dự án này chỉ còn một phần rất nhỏ khối lượng công việc nhưng đây lại là công đoạn đòi hỏi phải có các chuyên gia Trung Quốc. Để đáp ứng tiến độ, Ban Quản lý dự án đường sắt đã đề nghị Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ Y tế và các đơn vị liên quan hướng dẫn thủ tục để nhân sự của Tổng thầu EPC và tư vấn giám sát được nhập cảnh thuận lợi, kịp thời và đảm bảo không để dịch xâm nhập Việt Nam.

Mới đây, Bộ GTVT có văn bản hỏa tốc gửi Chính phủ báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc đã đến hạn trả nợ gốc khoản vay lại của Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án để bố trí 400 tỷ đồng cho hạng mục trả nợ gốc phần vốn vay lại cho tới khi bàn giao dự án cho UBND TP Hà Nội.
Ban Quản lý dự án đường sắt hiện đã trả nợ gốc cho Trung Quốc với tổng số tiền 398,043 tỷ đồng, số vốn trả nợ gốc còn lại trong tổng mức đầu tư còn lại là 1,957 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án đã dự kiến phát sinh trả nợ gốc phần vốn vay lại đến hết năm 2020 khoảng 1552,709 tỷ đồng. Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm xem xét việc gia hạn thời hạn trả nợ gốc phần vốn cho vay lại đối với dự án đồng thời cho phép Bộ GTVT tiếp tục bổ sung vốn bố trí cho hạng mục trả nợ gốc của các Hiệp định vay đã ký.

Ưu tiên hàng đầu là phòng chống dịch bệnh

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Bùi Danh Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội khẳng định, việc Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa thể làm việc trở lại do ảnh hưởng của dịch nCoV là điều không ai mong muốn nhưng cũng không thể làm khác được. “Nhiều chuyên gia làm việc tại dự án là người Trung Quốc.
Họ trở về nước đón Tết đúng thời điểm dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc nên việc hạn chế họ xuất cảnh để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh là điều đương nhiên” – ông Bùi Danh Liên nói và phân tích thêm, nếu đặt tương quan so sánh giữa tiến độ một dự án giao thông với sức khỏe của toàn dân thì đương nhiên phải ưu tiên đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người dân trước.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - nguyên Trưởng bộ môn Công nghệ và Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, chủ trương hạn chế sự đi lại của công dân Trung Quốc nhằm tránh nguy cơ làm lây lan dịch viêm phổi cấp do virus Corona là chủ trương đúng và cần thiết của nước bạn. Về phía Việt Nam, chúng ta cũng đã thực hiện nhiều biện pháp phòng tránh dịch bệnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thám, Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, là dự án trọng điểm quốc gia, dù đã nhiều lần vỡ tiến độ và rất cần về đích sớm cũng không thể phá vỡ nguyên tắc phòng chống dịch bệnh mà hai quốc gia đang triển khai được. "Ưu tiên hàng đầu của quốc gia lúc này là phòng chống dịch bệnh chứ không phải chạy đua tiến độ các dự án” – PGS.TS Nguyễn Đình Thám nhận định.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, phải chờ đến ngày 9/2 phía Trung Quốc mới có thông báo tiếp theo về việc có cho công dân xuất cảnh hay không. Kể cả trường hợp nước bạn đồng ý cho các chuyên gia Trung Quốc trở lại Việt Nam làm việc thì những người này cũng sẽ phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ về y tế và phòng dịch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần