Dự án giao thông trọng điểm: Không để thiếu vốn nhưng phải sử dụng hiệu quả cao nhất

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện giám sát kết quả triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của TP giai đoạn 2016 - 2020, ngày 12/10, đoàn giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) công trình giao thông TP Hà Nội và các sở, ngành, quận, huyện liên quan.

Theo Nghị quyết 15 ngày 4/12/2017 của HĐND TP, Ban được giao theo dõi, quản lý, triển khai thực hiện 29 dự án công trình trọng điểm. Trong số này, 2 dự án sử dụng vốn đầu tư công đã được hoàn thành đưa vào sử dụng; 3 dự án sử dụng vốn đầu tư công và 2 dự án đầu tư theo hình thức PPP đang được thi công, nhưng trong đó 1 dự án chưa đáp ứng tiến độ hoàn thành trong năm 2018 theo Nghị quyết 15 do vướng về GPMB, 1 dự án cũng không đảm bảo tiến độ do thực hiện các thủ tục bổ sung.

Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Phạm Thị Thanh Mai phát biểu

Với 4 dự án sử dụng vốn đầu tư công và 18 dự án đầu tư theo hình thức PPP chưa được khởi công, chưa hoàn thành thủ tục chọn nhà đầu tư, có dự án cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch mới đang thực hiện ĐTXD cải tạo mở rộng phần đi bằng nên Ban đề xuất đầu tư giai đoạn sau. Dự án cầu vượt nút giao Hoàng Quốc Việt-Nguyễn Văn Huyên dự kiến khởi công quý I/2019, không đạt theo Nghị quyết 15 do sau khi được bổ sung vào Nghị quyết, thời gian thực hiện thực tế của các bước để phê duyệt dự án bị kéo dài nên đến tháng 8/2018 mới được phê duyệt dự án.

Dự án hầm chui Lê Văn Lương-Vành đai 3 theo Nghị quyết 15 phải khởi công trong 2017 nhưng do Ban mới được UBND TP giao tiếp nhận dự án từ Bộ GTVT và Thường trực HĐND TP mới phê duyệt chủ trương đầu tư từ 6/9/2018, nên đơn vị dự kiến khởi công trong quý IV/2019. Ngoài ra, trong 18 dự án đầu tư theo hình thức PPP, có 15 dự án loại hợp đồng BT đều là chưa ký hợp đồng, Bộ Tài chính đang có ý kiến tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư đến khi Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT) có hiệu lực thi hành…

Lãnh đạo Ban QLDA cũng chia sẻ, việc triển khai thực hiện các dự án công trình trọng điểm chủ yếu theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT, song quỹ đất thanh toán cho các dự án BT chưa được cân đối đủ. Vì vậy, đề nghị UBND TP giao Ban chủ trì rà soát điều chỉnh, chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khung trên địa bàn TP; sớm kiến nghị T.Ư hướng dẫn việc sử dụng tài sản công để thanh toán theo Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Ghi nhận nỗ lực của Ban QLDA, các sở, ngành, quận, huyện, đoàn giám sát cũng nhận định: Chiếu vào Nghị quyết của HĐND TP và các báo cáo của TP cho thấy, tiến độ nhiều dự án giao thông trọng điểm đang rất đáng lo ngại. Do đó, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Phạm Thị Thanh Mai đề nghị các chủ đầu tư (CĐT), sở, quận, huyện liên quan đến các dự án này soát thật kỹ những khó khăn, kiến nghị cụ thể hơn với từng dự án đang chậm tiến độ.

Trong đó, Sở KH&ĐT phát huy cao vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý đầu tư các dự án, tiếp thu đầy đủ ý kiến, sớm báo cáo tổng thể về riêng các dự án PPP để gửi đoàn, kiến nghị UBND TP. Phía Ban QLDA cần quyết tâm thực hiện đúng cam kết “chỗ nào có mặt bằng thì triển khai thi công ngay”. Riêng với dự án Vành đai III, quận Bắc Từ Liêm cần thực hiện đúng chỉ đạo 31/12/2018 bàn giao toàn bộ mặt bằng; với dự án Vành đai II, Sở KH&ĐT tổng hợp lại những vướng mắc cụ thể về GPMB tại quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân để báo cáo TP.

"Đặc biệt, về vốn GPMB, thi công xây lắp, Sở KH&ĐT khi tham mưu bố trí kế hoạch vốn cần căn cứ khả năng thực hiện của các CĐT, nếu cần vẫn có thể điều chỉnh theo nguyên tắc không để thiếu vốn nhưng phải sử dụng vốn hiệu quả cao nhất. Quận, huyện hàng tuần, hàng tháng báo cáo tiến độ các dự án trọng điểm với UBND TP và cả HĐND TP; sở, ngành giảm tối đa thời gian hành chính để giải quyết nhanh nhất cho các dự án trọng điểm”, Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần