Dự án kết nối du lịch làng nghề huyện Thường Tín: Vẫn còn ý kiến trái chiều

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/12, UBND huyện Thường Tín tổ chức hội thảo khoa học “Xây dựng Khu du lịch văn hóa các làng nghề Thượng Phúc” để ghi nhận ý kiến đóng góp của các nhà khoa học về dự thảo dự án.

 Vị trí công trình dự kiến xây dựng (điểm khoanh tròn).
Tuy nhiên, việc đánh đồng nơi phát triển quảng bá làng nghề với nơi thờ các bậc thánh hiền, trong đó có nhà Văn từ, nhà thờ vua Trần Nhân Tông đã gặp phải sự phản đối của các nhà khoa học.

Kết nối du lịch, văn hóa

Theo dự thảo xây dựng, dự án “Khu du lịch văn hóa các làng nghề Thượng Phúc” sẽ được xây dựng trên một khu đất rộng 1,3ha tại thôn Văn Hội, xã Văn Bình, với tổng kinh phí đầu tư 68 tỉ đồng theo phương thức xã hội hóa. Công trình được xây dựng trên cơ sở tu bổ, tôn tạo văn chỉ/văn từ (nơi thờ các danh nhân) tại thôn Văn Hội và mở rộng thêm diện tích để xây dựng “Khu du lịch văn hóa các làng nghề Thượng Phúc”.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết, huyện sẽ có những điều chỉnh trong việc xây dựng, tách riêng 2 dự án để phù hợp với mục đích, ý nghĩa mỗi công trình. Tới đây, huyện Thường Tín sẽ trình UBND TP xem xét phê duyệt dự án. Nếu được phê duyệt đơn vị sẽ tiến hành huy động nguồn đầu tư xã hội hóa và xây dựng công trình.
Công trình dự kiến gồm 10 hạng mục như: Nhà Văn từ, nhà thờ vua Trần Nhân Tông, hội trường nhà hậu cần, nhà không gian danh nhân, nhà không gian làng nghề, nhà không gian văn hóa… Công trình được xây dựng nhằm bảo tồn, tôn tạo di tích Văn Từ Thượng Phúc kết hợp vinh danh truyền thống khoa bảng và xây dựng khu giới thiệu sản phẩm làng nghề kết hợp vinh danh tổ nghề truyền thống.

Trong bối cảnh huyện Thường Tín đang triển khai nhiều dự án như: Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Thường Tín, trường THCS Thường Tín vào (đầu năm 2019), khu lưu niệm Danh nhân văn hóa - Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi và các công trình giao thông theo hướng xây dựng nông thôn mới, công trình “Khu du lịch văn hóa các làng nghề Thượng Phúc” nếu được phê duyệt, xây dựng sẽ gắn kết với các thiết chế văn hóa trên, giúp nâng cao đời sống của người dân địa phương. Đồng thời, công trình sẽ tạo ra lợi thế mới cho việc bảo tồn phát huy giá trị làng nghề truyền thống, gắn với phát triển du lịch bền vững ở địa phương. Du khách sẽ là người hưởng thụ các giá trị văn hóa được tích hợp trong không gian văn hóa - tâm linh của các làng nghề truyền thống. Mặt khác, nếu thành công, mô hình này sẽ là trung tâm kết nối du lịch làng nghề truyền thống không chỉ của riêng huyện Thường Tín mà còn là mô hình điểm kết nối du lịch làng nghề của TP Hà Nội nói chung.

Khập khiễng phát triển làng nghề với nơi thờ thánh hiền

Tại hội thảo, sau khi xem xét bản vẽ dự thảo kiến trúc của “Khu du lịch văn hóa các làng nghề Thượng Phúc”, các nhà khoa học đã chỉ ra nhiều vấn đề không hợp lý. “Thường Tín là một huyện có nhiều làng nghề nhưng việc đưa tổ nghề, truyền thống đất trăm nghề vào chung một khuôn viên và bố trí sát bên hông công trình Văn từ Thượng Phúc là khập khiễng nếu không muốn nói là thiếu nghiêm túc, đánh đồng nơi thờ thánh hiền với phát triển làng nghề. Dự án không được phép xây dựng công trình vinh danh tổ nghề, danh nhân, làng nghề, văn hóa cổ vào nội tự không gian Văn Từ Phương Phúc” - PGS.TS Phạm Mai Hùng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết.

Các nhà khoa học cho rằng việc vinh danh đề cao làng nghề truyền thống ở Thường Tín cần được xây dựng thành một đề án riêng với mục đích, nội dung riêng biệt. Đồng nghĩa ở đây cần dự kiến thực hiện một khu đất riêng với nội dung hạng mục phù hợp với chủ đề làng nghề truyền thống. Các nhà khoa học thống nhất đơn vị nên đổi tên "Khu du lịch văn hóa làng nghề Thượng Phúc" thành "Trung tâm văn hóa du lịch làng nghề Thường Tín", như vậy sẽ không bị chồng lấn kế hoạch đầu tư phát triển làng nghề với đầu tư tu bổ tôn tạo các khu văn hóa tâm linh ở Thường Tín.