Dự án Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II: Dồn sức để giải phóng mặt bằng

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm phục vụ nhu cầu xử lý rác thải của Thủ đô trước mắt và lâu dài, UBND TP Hà Nội đẩy nhanh tiến độ xây dựng, mở rộng nhiều khu xử lý rác.

Trong đó, đáng chú ý là dự án Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II với diện tích 73,73ha tại huyện Sóc Sơn. Hiện tại, các đơn vị đang tập trung trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng vấp phải không ít khó khăn.

Xử lý lượng rác lớn

Để giải quyết tình trạng quá tải, đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải cho toàn TP trong giai đoạn 2012 – 2030, năm 2011 TP Hà Nội đã quyết định đầu tư xây dựng Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II. Theo quy hoạch được duyệt, diện tích sử dụng đất của dự án là 73,73ha gồm có 8 ô chôn lấp với diện tích 30ha và các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho các ô chôn lấp chất thải rắn. Trong đó, khu phía Nam 36,26ha (nằm trên diện tích đất của hai xã Hồng Kỳ và Nam Sơn), gồm 6 ô chôn lấp hợp vệ sinh với công suất chôn lấp 4.984.620m3; khu phía Bắc 37,47ha (nằm trên diện tích đất xã Bắc Sơn), gồm 2 ô chôn lấp với công suất 1.883.890m3. Theo tính toán, khu phía Nam sẽ đưa vào vận hành từ đầu năm 2015, đến hết năm 2018 sẽ đóng bãi, bắt đầu chuyển sang chôn lấp rác tại các ô chôn lấp của khu phía Bắc từ năm 2019 và đến năm 2021 sẽ đóng bãi toàn bộ Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II.

Do bị cản trở thi công, chủ đầu tư dự án mới chỉ hoàn thành công tác vét bùn quây thành đống và quây hàng rào tại dự án. Ảnh: Vũ Cúc

Xác định đây là dự án môi trường trọng điểm, cấp bách cần phải khẩn trương thực hiện và hoàn thành. Thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã thường xuyên chỉ đạo, tạo mọi điều kiện nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về vốn, cơ chế chính sách GPMB, thực hiện đầu tư, bảo hiểm y tế, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho Nhân dân trong vùng ảnh hưởng môi trường… để đẩy nhanh tiến độ dự án. Hiện chủ đầu tư được TP giao thực hiện dự án là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước và môi trường Hà Nội (Ban QLDA) cũng đang dốc sức để hoàn thành công tác GPMB. Tuy nhiên, những vướng mắc trong chính sách đền bù GPMB cho người dân tại xã Bắc Sơn đang là rào cản khiến việc hoàn thành GPMB xong toàn bộ dự án trong năm 2017 không thể cán đích.

Ông Chu Mạnh Tuấn – Phó Giám đốc Ban QLDA cho biết, tính đến đầu năm 2017 toàn bộ Khu phía Nam thuộc xã Hồng Kỳ và xã Nam Sơn đã hoàn thành công tác GPMB và thi công xong các hạng mục của dự án. Riêng đối với Khu phía Bắc thuộc xã Bắc Sơn mặc dù chủ đầu tư trước đây (Sở Xây dựng) đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động từ năm 2012 nhưng công tác GPMB diện tích đất thổ cư gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án.

Giao mặt bằng nhưng vẫn cản thi công

Theo đại diện chủ đầu tư, trên diện tích 37,47ha thuộc địa giới hành chính xã Bắc Sơn phải thu hồi có 14,66ha đất thổ cư của 199 hộ và 22,81ha đất nông nghiệp của 330 hộ. Trong đó, toàn bộ diện tích đất thổ cư chưa thể thu hồi để thực hiện dự án vì các hộ dân chưa đồng thuận với chính sách đền bù của TP. Hiện các hộ dân kiến nghị được công nhận hạn mức đất ở bằng 1.200m2/hộ (đối với các hộ có nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 và không có giấy tờ theo quy định) giống như đã áp dụng tại hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ. Ngoài ra, một số các kiến nghị khác như xét tái định cư bổ sung cho các hộ gia đình có đông nhân khẩu; không nhất trí với việc áp giá công trình xây dựng trên đất thổ cư là 10%… cũng được người dân gửi tới các cơ quan chức năng.

Ông Chu Mạnh Tuấn cho biết, đối với những kiến nghị này, ngay từ khi tiếp nhận dự án từ tháng 2/2017, Ban QLDA đã khẩn trương phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn, UBND xã Bắc Sơn, Tổ công tác GPMB dự án xây dựng kế hoạch thường xuyên đối thoại, giải thích tuyền truyền đến người dân. Công khai, minh bạch quy trình việc áp dụng chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư. Đồng thời, có các văn bản đề xuất, tham mưu liên ngành TP xem xét giải quyết. Đến nay, việc lập hồ sơ 140 phương án đền bù GPMB còn để lại từ chủ đầu tư cũ đã được Ban QLDA hoàn thành gửi UBND huyện Sóc Sơn thẩm tra. Trong đó, 68/140 phương án với diện tích 51.093,3m2 đã phê duyệt xong, với tổng số tiền phải chi trả là 131,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua 3 lần tổ chức chi trả mới có 3 hộ nhận tiền với tổng số tiền là 5,1 tỷ đồng.

Một khó khăn nữa mà đơn vị thực hiện dự án đang vấp phải là 10/22,81ha đất nông nghiệp của trên 100 hộ dân mặc dù đã nhận tiền, ký cam kết bàn giao mặt bằng từ năm 2016 nhưng thực tế các hộ dân đã không bàn giao mặt bằng, tiếp tục canh tác và gây cản trở không cho nhà thầu vào thi công. Đây thực sự là khó khăn “kép” khiến tiến độ dự án bị ảnh hưởng rất lớn.

Đến thời điểm hiện tại, đối với diện tích đất nông nghiệp và đất thổ cư các hộ đã nhận tiền và ký cam kết bàn giao mặt bằng, Ban QLDA đã hoàn thiện việc lập kế hoạch thi công và chỉ đạo các nhà thầu có liên quan chuẩn bị thiết bị và nhân lực để sẵn sàng tổ chức thi công theo kế hoạch. Ngày 18/12, UBND xã Bắc Sơn đã có tờ trình gửi UBND huyện Sóc Sơn đề nghị sớm phê duyệt kế hoạch chi tiết phương án bảo vệ thi công để có thể thực hiện vào ngày 27/12 tới. “Để công tác GPMB của dự án hoàn thành theo đúng kế hoạch, chính quyền huyện Sóc Sơn, xã Bắc Sơn cần sớm chỉ đạo các lực lượng chức năng, phòng ban chuyên môn thực hiện các phương án đã thống nhất theo đúng tiến độ” – ông Chu Mạnh Tuấn kiến nghị.