Dự án lắp đặt 1.000 nhà vệ sinh công cộng: Du lịch Thủ đô hưởng lợi

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới lữ hành cho biết, nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) từ lâu luôn là nỗi bức xúc của du khách trong nước và quốc tế khi đến Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.

Do đó, việc UBND TP Hà Nội quyết định thực hiện dự án lắp đặt 1.000 NVSCC trong vòng 10 năm bằng nguồn vốn xã hội hóa sẽ góp phần tăng sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh cho ngành kinh tế xanh Thủ đô.

Mệt mỏi tìm nhà vệ sinh cho du khách

Nhìn ra thế giới, nói về mức độ sạch sẽ và hiện đại thì nhà vệ sinh ở Nhật Bản là số 1. Đa số đều có hệ thống máy lạnh để sử dụng vào mùa Hè và sưởi ấm vào mùa Đông, nước nóng được điều chỉnh tự động, hệ thống xịt rửa và sấy khô được trang bị đủ đầy. Đặc biệt, mỗi NVSCC còn có hệ thống âm thanh và nhạc, ghế giữ em bé, bàn thay tã lót, tay chống hỗ trợ người già yếu, ổ cắm điện, bàn hoặc móc treo túi xách… Nhật Bản coi trọng vấn đề vệ sinh tới mức có hẳn Hiệp hội Các nhà vệ sinh (JTA - Japan Toilet Association). Chính phủ Nhật Bản còn tổ chức cả cuộc thi thiết kế NVS quốc gia và trao giải, vinh danh những công trình NVS thể hiện sự sáng tạo… Có lẽ, đó cũng là một trong những yếu tố tạo nên “thương hiệu” văn hóa Nhật Bản, khiến du khách luôn muốn quay trở lại “xứ sở hoa Anh đào” để trải nghiệm và khám phá.

Nhà vệ sinh công cộng trên đường Thanh Niên.  Ảnh: Công Hùng

Trong khi đó, tại Hà Nội, nhiều du khách cảm thấy như bị "tra tấn" vì không thể tìm được chỗ để… “giải quyết nỗi buồn”. Tổng Giám đốc APT Travel Nguyễn Hồng Đài cho hay: “Rất nhiều du khách và hướng dẫn viên của APT Travel cảm thấy vô cùng mệt mỏi, khó chịu vì rất khó khăn mới tìm được NVSCC ở Thủ đô. Trên phố phường Hà Nội hầu như thiếu vắng những điểm VSCC. Thậm chí, nhiều danh lam thắng cảnh, khu di tích, điểm đến cũng không có hoặc do không được duy tu thường xuyên nên ở trong tình trạng bẩn khủng khiếp. Hướng dẫn viên của APT Travel không ít lần phải vào nhà dân xin phép cho khách đi vệ sinh nhờ do bất đồng ngôn ngữ và khách nước ngoài cần có chỗ chuẩn mực và được phép họ mới dám sử dụng. Việc tế nhị này khiến du khách cảm thấy ái ngại, nhiều người phải đỏ mặt, tía tai”. Đây cũng là khó khăn mà hầu hết các hãng lữ hành Việt Nam đang gặp phải.

Lào “ăn đứt” Việt Nam

Việc thiếu NVSCC ở Hà Nội còn khiến hình ảnh du lịch Thủ đô xấu đi vì nạn “tiểu bậy”. Nhiều hướng dẫn viên chia sẻ, họ cảm thấy xấu hổ vô cùng khi dẫn khách nước ngoài đi ngang qua góc phố bốc mùi khai nồng mặc, hay đang có một người đàn ông úp mặt vào tường “xả thải”. Dù Hà Nội hiếm gặp những bức tường có viết dòng chữ “cấm đái bậy”, nhưng chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện bi hài xoay quanh câu hỏi đường đến phố “Cam Dai Bay” của những du khách ngoại quốc.

Điều đáng nói, không phải những quốc gia phát triển mà ngay cả đất nước được cho là có nền kinh tế lạc hậu hơn Việt Nam cũng có hệ thống NVSCC sạch và đẹp đến bất ngờ. Như chia sẻ của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ: "Lần đầu đi xuyên Lào khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Cứ tưởng nước họ nghèo hơn mình nên lạc hậu. Nào ngờ, nhiều khoản họ "ăn đứt" Việt Nam, nhất là NVSCC. Nhiều nơi tươm tất, khang trang, có nơi chưa thực sự đẹp nhưng rất sạch sẽ. Vì vậy, du khách chẳng sợ nạn “khủng bố tinh thần” vì thiếu chỗ "giải quyết đầu ra" như ở Việt Nam".

Ông Nguyễn Văn Mỹ cho biết thêm, NVS ở các nhà hàng tại Lào thường được bố trí ở ngoài vườn, dưới bóng cây cổ thụ. Chủ nhà hàng đặt những chiếc ghế bành nhỏ để khách ngồi hóng mát và đọc báo sau khi đi vệ sinh. Bên trong NVS mát rượi bởi được gắn máy lạnh, phảng phất mùi trầm như ở khách sạn 5 sao, trên mỗi bồn cầu đều có lọ hoa nhỏ...

Sử dụng trang thiết bị hiện đại nhất

Thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng sống cho người dân cũng như sức hấp dẫn của du lịch Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã quyết định cho Công ty CP Thương mại và Truyền thông Vinasing xây dựng và quản lý, vận hành 1.000 NVSCC trong suốt thời gian triển khai dự án, đổi lại công ty này được TP cho phép quảng cáo ở một số khu vực. Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, đến nay Vinasing đã khảo sát và ký biên bản thống nhất với UBND phường, xã và Tổng Công ty Vận tải Hà Nội được 416/528 vị trí đủ điều kiện lắp đặt NVS. Trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu, công ty đã khảo sát, đề xuất lắp đặt tại 181/398 vị trí. Hiện tại, công ty này đã thi công và lắp đặt được 64 vị trí NVS tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Tây Hồ, Hà Đông, Long Biên, Cầu Giấy. Trong số các NVSCC đã lắp đặt, có 10 vị trí đã hoàn thành điện, nước, đủ điều kiện vận hành, và đã bàn giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội quản lý từ ngày 21/2. Tổng số NVSCC dự kiến lắp đặt và đưa vào vận hành đến hết năm 2017 khoảng 250 nhà.

Ông Hà Huy Kiên - Giám đốc dự án cho biết, kinh phí để xây dựng một NVSCC khoảng 200 triệu đồng. NVSCC có 2 phòng riêng biệt cho nam nữ. Các phòng đều có tay vịn phục vụ người khuyết tật, thiết bị bên trong hoạt động theo cơ chế cảm ứng giúp tiết kiệm điện, nước. Đặc biệt, ngay cả các NVSCC đã vận hành 4 – 5 tháng vẫn không gây mùi khó chịu trong phòng cũng như khu vực xung quanh. Nhờ sử dụng hệ thống khung thép chịu lực, trần làm bằng nhôm, nên các NVSCC hạn chế được sự bào mòn do thời tiết, không bị ám mùi, tiết kiệm diện tích đất và không gây ảnh hưởng đến hệ thống ngầm.

Tuy vậy, tiến độ thi công hiện còn chậm do một số địa phương chưa phối hợp tốt trong bàn giao mặt bằng. Nhiều hộ dân và cơ quan, tổ chức e ngại việc lắp đặt NVSCC sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống nên gây khó khăn. Ngoài ra, nhà đầu tư chưa phối hợp tốt với cơ quan, đơn vị quản lý để xin cấp phép và thi công đấu nối đường điện, cấp nước và thoát nước thải.

Giới lữ hành mừng ra mặt

Hoạt động lâu năm trong ngành du lịch, ông Mỹ cho rằng, quyết định thực hiện dự án lắp đặt 1.000 NVSCC của UBND TP Hà Nội là vô cùng cần thiết. Bởi, lâu nay chuyện đi vệ sinh vốn khá tế nhị, nhưng lại là nhu cầu không thể đừng của tất cả mọi người. Còn ông Đài khẳng định: “Đây là quyết định rất tốt cho ngành du lịch vì sẽ giúp du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến Thủ đô không còn phải e ngại cảnh “mót” NVSCC. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các NVSCC phải hợp lý, không làm mất cảnh quan, có biển chỉ dẫn bằng nhiều thứ tiếng và đảm bảo sự sạch sẽ mới thực sự hiệu quả”.

Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc TransViet Travel còn cho rằng, bên cạnh việc xây dựng thêm 1.000 NVSCC, TP cũng nên có quy định hoặc khuyến khích các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, địa chỉ mua sắm… tại những điểm có nhiều du khách mở cửa NVS. Họ có biển hướng dẫn và được thu phí theo quy định để duy trì hoạt động này. Như vậy, các TP không phải đầu tư tiền hay quỹ đất và nguồn lực mà vẫn có thể giải quyết được tình trạng thiếu NVSCC hiện nay. Ở Ý, mô hình này hoạt động rất hiệu quả.

Bên cạnh đó, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lưu Đức Kế cho rằng: “Cùng với việc cải thiện hệ thống NVSCC, ban quản lý tại các điểm du lịch cũng phải có trách nhiệm đầu tư cải tạo NVS đạt chuẩn nhằm làm thay đổi hình ảnh của du lịch Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Gần đây, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đầu tư xây dựng NVS sạch sẽ với trang thiết bị hiện đại, đồng thời bỏ hẳn việc thu phí vệ sinh khiến du khách cảm thấy hài lòng”.

Việc lắp đặt 1.000 NVSCC tại Hà Nội, trong đó có quận Hoàn Kiếm là rất cần thiết vì hệ thống NVSCC cũ trên địa bàn quận đã xuống cấp. Mặt khác, không gian đi bộ quanh Hồ Gươm ngày càng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế nên phát sinh thêm nhu cầu sử dụng NVSCC.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm  Phạm Tuấn Long