Dự án lắp đặt 1.000 nhà vệ sinh công cộng: Lợi ích cho cả “3 nhà”

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để từng bước cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng VSMT trên địa bàn TP, Hà Nội đã quyết định thực hiện dự án lắp đặt 1.000 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) trong vòng 10 năm bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Đây đang được xem là dự án mang lại lợi ích kép cho cả người dân và TP.
Chậm trễ vì nhiều nguyên nhân
Ngay sau khi Nghị định 155 của Chính phủ có quy định xử phạt đối với hành vi đi vệ sinh bừa bãi nơi công cộng có hiệu lực, nhiều người đã nghi ngại về tính khả thi khi trên địa bàn Hà Nội đang tồn tại tình trạng thiếu và xuống cấp của NVSCC. Để giải quyết vấn đề này và cũng nhằm hoàn thiện về mặt thực tế các tiêu chuẩn, quy chuẩn NVSCC trên địa bàn, từ cuối năm 2016, UBND TP Hà Nội đã đồng ý cho Công ty CP Thương mại và truyền thông Vinasing (Công ty Vinasing) triển khai dự án đầu tư 1.000 NVSCC, đổi lại phía Công ty sẽ được phép quảng cáo ở một số khu vực. Theo như thông báo của nhà đầu tư, trước Tết Nguyên đán 2017 sẽ có 200 mẫu được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới lắp đặt được 64 vị trí, trong đó có 10 vị trí NVS đã hoàn thành điện, nước, đủ điều kiện vận hành.

Nhà vệ sinh công cộng mẫu mới được xây dựng tại vườn hoa Pasteur. Ảnh: Vũ Lê

Lý giải về sự chậm trễ này, ông Bùi Thái Song – Phòng Dự án Công ty Vinasing cho biết, nguyên nhân lớn nhất là việc bàn giao mặt bằng thi công lắp đặt. Các phường chưa thỏa thuận với người dân lân cận vị trí lắp đặt NVSCC, do đó khi tiến hành thi công đã gặp phản ứng gay gắt của người dân, cơ quan, tổ chức, thậm chí có nơi đơn vị phải chuyển đổi tới 3 lần mới thi công xong. Điển hình như tại các vị trí hè phố đường Văn Cao; vỉa hè hồ Hàm Long; vườn hoa ven Hồ Tây... Theo ông Song, sở dĩ người dân phản ứng không đồng ý là do chưa hiểu được các công nghệ xử lý chất thải, khử mùi tiên tiến hiện đại mà Công ty sử dụng trong NVSCC. Công nghệ này khi lắng và lọc các chất rắn, nước thoát ra ngoài môi trường hoàn toàn không có mùi hôi thối. Ngoài ra, sử dụng công nghệ tự hủy, tự phân trong bể của NVSCC. Dùng bể phốt cùng với các xe bồn chuyên dụng kèm theo đảm bảo các yêu cầu thông hút NVSCC. Do vậy, các nhà vệ sinh này hoàn toàn đảm bảo về VSMT đối với khu vực xung quanh.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đồng Phước An, ngoài nguyên nhân khách quan trên, một phần do nhà đầu tư chưa phối hợp tốt với các đơn vị quản lý để xin cấp phép và thi công đấu nối đường điện, cấp nước và thoát nước. Chưa khảo sát kỹ nên một số vị trí vướng vào công trình hạ tầng ngầm phải đổi hoặc bỏ vị trí lắp đặt. Nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chuẩn bị các điều kiện để vận hành NVSCC, ví dụ như chưa dự tính phương án lắp thêm máy bơm tăng áp giúp cho việc cấp nước được liên tục khi áp lực nước tại khu vực NVS không đủ mạnh. Chính vì lý do này, một số điểm NVS hiện nay hàng ngày vẫn phải cung cấp nước bằng xe téc.
Quyết tâm thực hiện
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 371 NVSCC, trong đó có 258 NVS được xây bằng gạch, 113 NVS có kết cấu vỏ thép. Với số lượng NVSCC như vậy đã không đáp ứng được việc phục vụ người dân, du khách tại các nơi công cộng trên địa bàn TP. Để đảm bảo công tác VSMT, thực hiện văn minh đô thị, lắp đặt đủ NVSCC là điều kiện tối thiểu phải thực hiện. Việc này, TP đã thể hiện quyết tâm bằng việc thực hiện dự án và đến cuối năm 2017 sẽ có thêm 250 NVSCC.
Đồng quan điểm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà cho rằng, mật độ dân số đông, trong đó có rất nhiều người dân vãng lai về làm ăn, buôn bán… đã tạo ra một áp lực lớn cho TP Hà Nội về vấn đề VSMT. Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, TP đã quyết định chủ trương đầu tư các NVSCC theo hình thức xã hội hóa là hết sức có ý nghĩa. Dự án đã mang lại nhiều lợi ích cho cả "3 nhà": Nhà nước không phải chi ngân sách, DN cũng được hưởng lợi, đặc biệt người dân, nhất là những người lao động ngoài trời và du khách được hưởng thụ một dịch vụ vệ sinh rất thiết thực. “Trong quá trình thực hiện lắp đặt không tránh khỏi những vướng mắc từ việc nhận thức chưa đầy đủ của một số phường và người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cơ bản các vướng mắc đã được giải quyết khi các tổ chức và người dân đã có chuyển biến về nhận thức. Chủ tịch UBND TP cũng đã đề nghị báo cáo thường trực Thành ủy để xử lý những Chủ tịch phường do lợi ích cục bộ của chính quyền gây khó dễ với chủ đầu tư” - ông Hà cho biết thêm.
Việc người dân và du khách được đi vệ sinh công cộng không chỉ là nhu cầu cá nhân mà nó còn góp phần khiến bộ mặt của TP sạch đẹp, văn minh. Với dự án lắp đặt 1.000 NVSCC đang được triển khai, hy vọng sẽ xóa dần những hình ảnh phản cảm đang xuất hiện trên nhiều tuyến phố của Hà Nội.
Gần đây tôi thấy báo chí nói về việc bất hợp lý khi tại Vườn hoa Pasteur đã có NVSCC nhưng vẫn cho lắp đặt thêm. Theo tôi, điều này không hẳn đúng vì hàng ngày tại khu vực vườn hoa này có rất nhiều người dân tới vui chơi, tập thể dục trong đó phần đông là trẻ em và người già nên trước đây có một VSCC là vẫn thiếu. Việc lắp đặt nhiều hay ít NVS tại một địa điểm không quan trọng, miễn là những NVSCC đó có nhiều người sử dụng, phát huy được tác dụng của nó. Hiện nay, tôi thấy TP đang cho sử dụng miễn phí tại các NVSCC mới, tuy nhiên người dân chúng tôi sẵn sàng bỏ phí để Nhà nước đầu tư lại các dịch vụ cho tốt hơn.
Mai Thị Phượng, dốc Thọ Lão, quận Hai Bà Trưng

Việc thực hiện dự án lắp đặt 1.000 NVSCC của TP Hà Nội là một chủ trương rất đáng hoan nghênh. Các TP văn minh họ đều thực hiện rất tốt việc này. Tuy nhiên, việc quan trọng là phải nghiên cứu rất kỹ để quy hoạch đúng mục tiêu sử dụng. Đây là dịch vụ chủ yếu để phục vụ Nhân dân nên cần đặt ở những nơi công cộng, tập trung nhiều người có nhu cầu như nhà ga, công viên, khu vui chơi giải trí... TP Hà Nội cần tham khảo kỹ các ý kiến đóng góp của chuyên gia quy hoạch, chuyên gia môi trường để có vị trí lắp phù hợp, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng. Để có được sự đồng thuận cao của người dân ở địa phương thì công nghệ sử dụng tại những NVSCC đó phải hiện đại, không phát sinh ô nhiễm. Cuối cùng là việc quản lý khi các NVS này đưa vào sử dụng phải tuyệt đối đảm bảo VSMT, đồng thời không gây khó khăn phiền hà cho người sử dụng. 
GS.TSKH  Phạm Ngọc Đăng  Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt
Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần