Dự án lắp đặt thùng rác công nghệ: Rác chưa gom, doanh nghiệp tới tấp mời gọi quảng cáo

Linh Anh - Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, hệ thống thùng rác công nghệ (TRCN) được lắp đặt trên nhiều tuyến phố của Hà Nội.

Tại một số địa điểm, TRCN chưa được nghiệm thu, chưa phát huy công năng sử dụng nhưng đã được khoác lên mình những tấm biển quảng cáo. Khi được hỏi về việc mục đích chính chưa thành (thu gom làm sạch môi trường), mục đích phụ (khai thác quảng cáo) đã triển khai, chủ DN của dự án cho rằng đây là việc làm sai của cấp dưới.
Chưa được nghiệm thu
Để giải quyết tình trạng rác thải sinh hoạt bị vứt bừa bãi, tràn lên trên nhiều tuyến đường, TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương xã hội hóa, cho Công ty CP Công nghệ xanh Goda thực hiện lắp đặt, cung cấp hệ thống TRCN (gồm 11.886 thùng tại địa bàn 12 quận và 13 huyện) có kết hợp quảng cáo. Dự án được thí điểm từ năm 2019, đầu năm 2020 được triển khai chính thức.
 Nhiều thương hiệu quảng cáo trên thùng rác công nghệ chưa được cấp phép.
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị trên một số tuyến đường như Xã Đàn, Hồ Đắc Di, Hoàng Cầu, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Chánh, Xuân Thủy, Trần Đăng Ninh… TRCN đã hoàn thiện về mặt kết cấu, được gắn cố định. Lắp đặt xong mặt bằng nhưng nhiều thùng rác vẫn úp ngược, chưa thể chứa rác, ví như tại khu vực trước cửa nhà 406, 434 đường Xã Đàn. Tại một số địa điểm kể trên, người dân đã mang rác ra đổ, đặt rác xung quanh điểm lắt đặt TRCN, gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về việc TRCN đã được lắp đặt nhưng chưa đi vào sử dụng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Hà Anh Tuấn cho biết: “Theo báo cáo của Công ty CP Công nghệ xanh Goda, tính đến ngày 3/8/2020, công ty đã lắp đặt 87 TRCN, trong tổng số vị trí dự kiến lắp dựng trên địa bàn quận Đống Đa là 344 thùng.
Mặc dù đã thi công xong 87 vị trí nhưng chưa đưa vào sử dụng do Công ty Goda chưa nghiêm túc triển khai các chỉ đạo của UBND TP, Sở Xây dựng, UBND quận Đống Đa về việc phối hợp với Công ty Môi trường đô thị để xây dựng quy chế thu gom, vận chuyển rác, duy tu, duy trì bảo dưỡng; phương án, quy trình, đơn giá thu gom rác tại các TRCN để trình Sở Xây dựng, Sở Tài chính thẩm định, phê duyệt làm cơ sở thực hiện”. Được biết, không chỉ ở quận Đống Đa, mà ở quận Cầu Giấy, dự án TRCN cũng rơi vào tình trạng chưa thể nghiệm thu vì lý do tương tự.
... đã lo thu tiền quảng cáo
Theo Quyết định 7356/QĐ-UBND, ngày 27/12/2019 của UBND TP Hà Nội, việc khai thác quảng cáo chỉ được thực hiện khi tuân thủ đầy đủ các quy định về quảng cáo và khi có ý kiến xác nhận của từng quận, huyện và đã ký kết cơ chế thu gom. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, dù chưa được các quận, huyện, sở, ngành nghiệm thu; chưa được sự chấp thuận đồng ý cho phép khai thác hoạt động quảng cáo ngoài trời của Sở VH&TT Hà Nội, Công ty Goda đã tiến hành khai thác quảng cáo tại các vị trí TRCN đã lắp đặt. Cụ thể, ngoài những biển hộp đèn đăng số điện thoại mời gọi quảng cáo, nhiều hộp đèn quảng cáo cho các mặt hàng của một siêu thị điện máy và nhiều nhãn hàng khác.
Chiều 11/8, phóng viên liên hệ với ông Nguyễn Trọng Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ xanh Goda Việt Nam để tìm hiểu vấn đề mời gọi quảng cáo khi chưa được nghiệm thu. Ông Thanh chia sẻ: “Chúng tôi đang thử nghiệm, chỉ có một số địa điểm anh em khai thác, chưa thu tiền của khách. 1 - 2 ngày tới những điểm khai thác rồi sẽ tháo dỡ hết xuống, chờ nghiệm thu mới thực hiện quảng cáo. Khai thác những điểm này sẽ có bài bản, khai thác mấy cái đó được bao tiền đâu”.
Sáng 12/8, trong vai người có nhu cầu đặt quảng cáo tại các hộp đèn TRCN, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã liên hệ với số điện thoại 08658687… để đề nghị được lắp đặt quảng cáo, được nhân viên của Công ty Goda tiếp lời: “Công ty phân các tuyến được ra hạng A, B, C. Tuyến đường đẹp, tương đương hạng A, công ty bán 49 triệu đồng/hộp đèn 2 mặt/năm. Một vài tuyến đường hạng B được bán với giá 36 triệu đồng/hộp đèn 2 mặt/năm”.
Nhân viên của Công ty Goda cũng thừa nhận, hiện đơn vị này đã thực hiện khai thác quảng cáo cho các thương hiệu như Thế giới di động, Manulife và các nhà hàng, khách sạn. Các DN này đều đã ký kết hợp đồng quảng cáo có thu tiền với Công ty Goda trong vòng 2 tháng nay.
Ngay sau khi trao đổi thông tin với vai DN cần đăng quảng cáo, phóng viên đã nhận được email về bản hợp đồng của nhân viên sale Trần Mạnh Tiến, cùng lời giới thiệu về hệ thống 11.000 hộp đèn quảng cáo phủ rộng khắp Hà Nội, với chi phí quảng cáo thấp (sales giá sốc từ giờ đến 1/10/2020 với giá chỉ 3 triệu đồng/vị trí/tháng cho tất cả các thương hiệu mua tối thiểu 6 tháng), vị trí đắc địa, có thể giúp tiếp cận hàng triệu lượt khách mỗi ngày của Công ty Goda… và đặc biệt hợp đồng này được cấp phép bởi chính quyền, được bảo vệ pháp luật.
Như vậy, giữa thực tế khai thác quảng cáo và lời của ông Nguyễn Trọng Thanh là có sự bất nhất. Chưa kể, theo khảo sát, các vị trí lắp đặt TRCN của Goda mới đang tập trung chủ yếu ở các tuyến phố trung tâm, trong khi khu vực ngoại thành còn thiếu nhiều điều kiện tập kết, thu gom rác lại chưa được quan tâm. Vậy, mục tiêu của Goda theo văn bản chỉ đạo của TP là lắp đặt TRCN làm nơi tập kết rác hay chỉ trọng tâm khai thác vế sau: Khai thác quảng cáo?!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần