Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi): Chặn nhập công nghệ lạc hậu

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Phiên họp thứ 8, một lần nữa Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) tiếp tục được UBTV Quốc hội thảo luận.

Trong số những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau, quy định về thẩm định công nghệ của dự án đầu tư cũng như gắn với trách nhiệm của các cơ quan liên quan nhận được nhiều sự quan tâm.
Cụ thể quy định thẩm định công nghệ
Theo Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Phan Xuân Dũng, hoạt động chuyển giao công nghệ là vấn đề rất quan trọng vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó. Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu; chúng ta vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ là chính, không đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật... Do đó, rất cần thiết có các giải pháp thẩm định, kiểm soát luồng công nghệ nhập khẩu vào nước ta để ngăn chặn công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Đồng thời, không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và yêu cầu của cải cách hành chính.

Cần có những quy trình kiểm tra các thiết bị máy móc khi nhập khẩu. Ảnh: Quỳnh Anh

Một số ý kiến ĐB Quốc hội cho rằng, quy định của Luật Đầu tư năm 2014 chưa tạo điều kiện cho việc thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư một cách chặt chẽ, có hiệu quả vì thời gian thẩm định hồ sơ đầu tư còn ngắn. Tiếp thu ý kiến này, Dự luật đã quy định khi thẩm định công nghệ đối với các dự án có công nghệ phức tạp, đòi hỏi phải lấy ý kiến chuyên gia nước ngoài trong quá trình thẩm định, thì được gia hạn gấp 2 lần thời gian thẩm định so với thời gian thẩm định của các dự án không có nội dung công nghệ phức tạp. Cùng với đó, bổ sung quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong thẩm định công nghệ của dự án đầu tư và thẩm quyền thẩm định công nghệ dự án đầu tư...
Phải rõ trách nhiệm
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, theo Điều 13 của Dự Luật, không phải tất cả các dự án chuyển giao công nghệ đều được thẩm định, như vậy là không phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoa học và công nghệ. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cân  nhắc quy định theo hướng tất cả các dự án sử dụng công nghệ được chuyển giao thì đều phải thẩm định. Về thời gian thẩm định, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đối với những dự án công nghệ phức tạp, lần đầu tiên chuyển giao công nghệ với Việt Nam, việc thời gian thẩm định kéo dài là phù hợp. Tuy nhiên, nên làm rõ thêm những công nghệ phức tạp cụ thể là công nghệ gì. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng nhấn mạnh, Ban soạn thảo cần làm rõ thêm những công nghệ phức tạp cụ thể là công nghệ gì để được ưu tiên, tránh lạm dụng. Trên cơ sở đó để có được những đánh giá đúng, gia hạn thời gian thẩm định và tránh những lợi dụng trong vấn đề ưu tiên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, Luật ra đời phải ngăn chặn việc đưa công nghệ, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm vào nước ta. Dự Luật đã tiếp thu ý kiến đại biểu, có bổ sung từ quy định loại dự án nào phải thẩm định công nghệ đến trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước trong thẩm định cũng như việc hậu kiểm. Sau này đưa công nghệ gây ô nhiễm vào thì cơ quan, cá nhân phải chịu trách nhiệm. UBTV Quốc hội yêu cầu ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát nghiên cứu quy định về hạn chế chuyển giao. Làm rõ thế nào là hạn chế và cần rà soát về công nghệ hạn chế chuyển giao để tránh hệ lụy.