Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi): Thận trọng nghiên cứu thấu đáo

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 8/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Trong đó, cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là vấn đề được đặc biệt quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN
Nhiều quan điểm về thi tốt nghiệp THPT
Thi tốt nghiệp THPT là vấn đề lớn trong Dự Luật được Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội nêu ra. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, Luật Giáo dục hiện hành quy định: “Học sinh học hết chương trình THPT, có đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp THPT”. Về vấn đề này có 2 loại ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục của học sinh, cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh. Việc tổ chức thi do Chính phủ quyết định phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Ý kiến thứ hai đề xuất không tổ chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại… “Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên & Nhi đồng ủng hộ ý kiến thứ nhất” - Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho biết.

Góp ý vào Dự Luật, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, việc xây dựng Dự Luật này cần rất thận trọng vì thời gian qua xảy ra "vấn đề" trong điểm thi THPT quốc gia. “Tôi cho rằng Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 6 này (tháng 10/2018) là hơi sớm. Dự Luật cần được xem xét, nghiên cứu cho chín hơn, có thể lùi đến kỳ họp sau. Trước tình hình thực tế vừa qua, Quốc hội thận trọng nghiên cứu thấu đáo vì kỳ thi THPT liên quan rất nhiều luật này" - Tổng Thư ký Quốc hội nêu.

Đồng tình với quan điểm cần thêm thời gian để lấy ý kiến cử tri và Nhân dân, cân nhắc và có bước đi thận trọng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Có ý kiến cử tri đặt vấn đề tại sao phải tổ chức thi khi mà 98% đỗ, 2% trượt, tức trong 1 triệu thí sinh lọc 200 em, gây tốn kém khi tổ chức cả một kỳ thi. Nhưng cũng có ý kiến băn khoăn nếu không thi thì việc dạy và học thế nào để đảm bảo nghiêm túc, chất lượng?”.

Là người có 15 năm giảng dạy và tham gia chấm thi ở trường đại học, bà Nguyễn Thanh Hải ủng hộ phương án kỳ thi “2 trong 1” xuất phát từ mục đích đỡ gây tốn kém, áp lực cho thí sinh và gia đình, đồng thời mang tinh thần nghiêm túc của kỳ thi đại học trước đây ảnh hưởng vào kỳ thi phổ thông. Tuy vậy, khâu tổ chức là vấn đề cần phải bàn. Dẫn ý kiến cử tri, Trưởng ban Dân nguyện cho biết, còn có phương án thứ 3, tức tổ chức hai kỳ thi. Theo đó, thi THPT làm cơ sở tham khảo cho trường đại học, còn các trường vẫn tự chủ tổ chức tuyển sinh nhưng phương thức tuyển sinh khác đi chứ không trở về như trước đây.

Cần thiết lấy ý kiến Nhân dân

Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí phải có thi THPT vì "học là phải thi", nếu không thì rất khó đảm bảo chất lượng và kỳ thi 2 trong 1 là phù hợp. Vấn đề ở đây là tổ chức kỳ thi sao cho phù hợp nhất.

Nhấn mạnh thi THPT là vấn đề liên quan đến toàn dân, tác động lớn đến xã hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị nên lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân, để có kết quả, khi quyết cũng hợp lòng dân và trên cơ sở khoa học là thuận hơn.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Từ Dự án luật sửa đổi một số điều thành Dự án Luật sửa đổi toàn diện nên giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, sau đó tổng hợp, hoàn thiện trình Quốc hội. Sau khi xảy ra tiêu cực thi cử vừa rồi thì Nhân dân rất quan tâm luật này, không thể không lấy ý kiến rộng rãi vì vấn đề này “đụng” tới từng nhà.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh thêm là không thể phủ nhận nỗ lực, thành quả của nền giáo dục Việt Nam. Các ý kiến nêu lên để hướng tới cái tốt hơn chứ không phải phủ nhận những thành quả đã đạt được. Do đó cần đánh giá công bằng chứ đừng lấy một việc tiêu cực để đánh giá chung. “Đổi mới là cần thiết nhưng cần ổn định, đừng để năm nay sẽ tuyển sinh thế nào, thi cử ra sao, đừng năm nào được năm đấy” – Chủ tịch Quốc hội nói và lưu ý Ban soạn thảo tích cực chuẩn bị, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện Dự Luật.

Phát biểu thêm tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng: Đây là Dự Luật chuẩn bị theo hướng sửa đổi một số điều nhưng sau này thành Dự Luật sửa đổi, cho nên ảnh hưởng tới toàn bộ phạm vi điều chỉnh. Đây là Dự Luật quan trọng, lâu dài, cần lấy ý kiến trong toàn xã hội. Đơn cử như giáo dục phổ thông, các dịch vụ công thiết yếu thì Nhà nước phải đảm bảo, còn lại là xã hội hóa. Nhưng thực tế hiện nay các trường chất lượng cao đều là trường công cả. Do đó cần xác định làm sao cho bảo đảm tính lâu dài và chuẩn bị rất tích cực mới thấu đáo để trình ở Kỳ họp thứ 7.