Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi): Thêm nhiều điểm mới

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được bổ sung nhiều nội dung mới, quan trọng. Trong đó tập trung sửa đổi một số vấn đề cốt lõi như hệ thống giáo dục quốc dân, loại hình nhà trường, đầu tư cho giáo dục, chính sách tài chính...

Nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non lên cao đẳng
Tại phiên họp giữa Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên & nhi đồng của Quốc hội và Bộ GD&ĐT vừa qua, đại diện Ban soạn thảo - bà Lê Thị Kim Dung - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) cho biết, để sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục, Dự Luật được đổi tên thành Luật Giáo dục (sửa đổi). Trong quá trình soạn thảo, rà soát, Ban soạn thảo đã tổ chức đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nâng những quy định trong các văn bản dưới luật đã được thực tiễn kiểm nghiệm, thực hiện ổn định lên thành quy định của luật; giảm tối đa các văn bản hướng dẫn. Đặc biệt, bổ sung vào Dự Luật nội dung: Nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm; miễn học phí cho học sinh THCS trường công lập. Ban soạn thảo sẽ  nghiên cứu, bổ sung đánh giá tác động đối với hai chính sách này và báo cáo, xin ý kiến Chính phủ.
 Cô và trò trường THCS Thanh Xuân trong giờ học Tin học. Ảnh: Thanh Hải.
Trong đó, về các quy định liên quan đến giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT đã sửa đổi, bổ sung các quy định về giáo dục mầm non tại Dự Luật, quy định trách nhiệm của Nhà nước, cha mẹ, cộng đồng; quy định trách nhiệm của địa phương trong việc đảm bảo trường, lớp cho con công nhân tại những vùng có khu công nghiệp; khuyến khích xã hội hóa giáo dục mầm non.
Đối với nội dung về hệ thống giáo dục quốc dân, tại Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ tính hệ thống, trong đó các thành phần được sắp xếp trật tự, gắn kết hữu cơ với nhau… Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về giáo dục nghề nghiệp theo hướng bổ sung một mục nhằm đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp học và trình độ đào tạo; quy định rõ hơn về hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông, phân luồng.
Có chương trình giáo dục địa phương
Trước ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị chương trình giáo dục cần thống nhất toàn quốc, ngoài ra còn có chương trình giáo dục địa phương; quy định cụ thể về việc lựa chọn sách giáo khoa, hội đồng thẩm định sách giáo khoa, Dự Luật cũng đã bổ sung những quy định mang tính nguyên tắc về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa; sách giáo khoa điện tử, học liệu. Bổ sung quy định giao UBND tỉnh và TP tổ chức biên soạn bổ sung những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời dành thời lượng cho cơ sở giáo dục chủ động vận dụng để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường. Tài liệu giáo dục của địa phương phải phù hợp với đặc điểm của địa phương và được thẩm định bởi hội đồng cấp tỉnh và được Bộ GD&ĐT phê duyệt…
Theo Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình, Ban soạn thảo phải làm rõ những điểm mới, đặc biệt, phải thoát khỏi quan điểm của Luật Giáo dục hiện hành để thiết kế được những điều luật vì người học, bám sát tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và Hiến pháp 2013.
Thường trực Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cũng nhấn mạnh đến những nội dung lớn cần quan tâm trong quá trình sửa đổi Luật lần này. Trong đó, về chính sách cho người học và nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với người học, bảo đảm phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu và tính công bằng trong thụ hưởng; đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo đúng vị thế, rõ quy hoạch… Hiểu đúng và đủ về xã hội hóa trong giáo dục; từ đó có những quy định phù hợp để thu hút và đa dạng hóa các nguồn thu cho giáo dục…