Dự án Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa: Cụ thể mới khả thi

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/4, các đại biểu (ĐB) Quốc hội chuyên trách đã thảo luận về Dự án Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV).

Trong đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh yêu cầu hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, có thời gian và có tính toán đến cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi của chính sách.
Thu gọn đối tượng
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Dự Luật đã tiếp thu, hạn chế sử dụng ngân sách Nhà nước và quy định thu hẹp các đối tượng được hỗ trợ. Cụ thể, hạn chế các hình thức hỗ trợ trực tiếp từ các chương trình, đối tượng thu hẹp trọng tâm hơn (DNNVV chuyển từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị) đối với các biện pháp hỗ trợ về tín dụng, đào tạo, tư vấn… Dự Luật cũng quy định theo hướng tập trung hỗ trợ cụ thể cho DN khởi nghiệp sáng tạo, DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Trên cơ sở đó điều chỉnh lại nội dung hỗ trợ có liên quan đến sử dụng ngân sách Nhà nước như nguồn tín dụng hỗ trợ từ Nhà nước và nguồn vốn của Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Sản xuất linh kiện tại Công ty Kim khí Tam Hợp, khu công nghiệp Sóc Sơn. Ảnh: Thanh Hải

Đối với DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, Dự Luật quy định hướng tập trung hỗ trợ đối với DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; hỗ trợ đổi mới sáng tạo liên quan đến quy trình công nghệ, vật liệu, linh kiện, máy móc thiết bị nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ. Các lĩnh vực khác sẽ do Chính phủ quyết định tùy theo lĩnh vực ưu tiên từng thời kỳ sau khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Tiếp thu các ý kiến đề nghị không nên quy định quá nhiều quỹ vì nguồn lực có hạn, hiện Dự Luật chỉ quy định về 3 quỹ, trong đó có 2 quỹ đã được thành lập và đang hoạt động.
Không chỉ cần hỗ trợ bằng “vật chất, đất, thuế”
Theo các ĐB, Dự Luật vẫn cần làm rõ thêm nhiều vấn đề. ĐB Hoàng Quang Hàm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách băn khoăn: Số DNNVV rất lớn, nguồn lực ở đâu, hỗ trợ thế nào; cơ chế hoạt động của các quỹ ra sao? Cần cân nhắc quy định nguyên tắc “hỗ trợ DNNVV là trách nhiệm toàn diện của Nhà nước”, vì như thế dễ dẫn đến hiểu nhầm là hỗ trợ không giới hạn. Nhà nước tất nhiên có trách nhiệm hỗ trợ DN, nhưng mọi hỗ trợ phải phù hợp với cơ chế thị trường, hài hòa các lợi ích của Nhà nước - DN - Nhân dân chứ không phải là bao cấp.
Đưa ra quan điểm không chỉ cần hỗ trợ bằng “vật chất, đất, thuế”, ĐB Tôn Ngọc Hạnh (đoàn Bình Phước) cho rằng: Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của DN là quá cao, chưa kể chi phí không chính thức. DN càng nhỏ thì tỷ lệ chi phí càng lớn. Do đó, cần chú trọng hơn nữa các giải pháp đẩy mạnh Chính phủ điện tử, nâng cao trình độ quản trị công… Đây cũng là những cách thức hỗ trợ hữu hiệu. ĐB Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cũng nhận định: Nhiều nội dung như về cho vay ưu đãi, mặt bằng sản xuất… đã có rồi, Dự Luật chỉ cần quy định nguyên tắc để thực hiện, nêu quá cụ thể thì vừa dễ sót, vừa dễ trở thành không phù hợp khi điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi. “Dự Luật nên tập trung vào một số vấn đề  sau đây: Đấu thầu, tiếp cận thị trường, chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang DN; đào tạo; cung cấp thông tin; đổi mới sáng tạo” - ông Lợi gợi ý.
Một số ý kiến khác cũng băn khoăn về tính khả thi còn nhiều nội dung mang tính khung chính sách, khi đi vào thực hiện sẽ khó khăn. Do đó quy định cụ thể hơn sẽ hạn chế việc ban hành nhiều văn bản rồi chậm đi vào cuộc sống.
Dự Luật có đề cập đến khái niệm DN siêu nhỏ trong các DN nhỏ, nhưng trong toàn bộ nội dung của Luật lại không thấy đề cập đến và cũng không có chính sách riêng đối với loại hình DN này. Do vậy, đề nghị cần bổ sung chính sách hỗ trợ DN siêu nhỏ, nghĩa là cần có tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là DN siêu nhỏ. Còn nếu không làm như vậy thì không nên đề cập đến khái niệm này trong Dự Luật.
Đại biểu Quốc hội  Trương Anh Tuấn (đoàn Nam Định)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần