Dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi): Bài toán kiểm soát bản kê khai tài sản

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề xuất mở rộng diện kê khai tài sản, thu nhập trong Dự Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) nhận được nhiều sự đồng tình. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu có kiểm soát được bản kê khai, để tránh hình thức.

 Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 25/6 vừa qua. Ảnh: TTXVN
Mở rộng là cần thiết
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái: Việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với mọi cán bộ, công chức và viên chức giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên khi lần đầu được tuyển dụng, bổ nhiệm vào làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực công là một bước đi cần thiết để hình thành đồng bộ hệ thống dữ liệu quốc gia về bản kê khai. Đồng thời giúp kiểm soát hiệu quả những biến động về tài sản, thu nhập của họ khi thuộc diện phải kê khai hàng năm.

Đồng tình việc Dự Luật mở rộng đối tượng kê khai tài sản thu nhập, ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) cho rằng, việc mở rộng đối với mọi cán bộ, công chức đều phải có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập lần đầu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu với tài sản thu nhập tăng thêm khi được đề bạt, bổ nhiệm hoặc bố trí vào những vị trí nhạy cảm, phải kê khai bổ sung hàng năm.
“Dự Luật đã đưa ra các giải pháp khả thi, đảm bảo việc kiểm soát được đối tượng kê khai bổ sung bằng cách tăng các ứng dụng công nghệ trong quản lý dữ liệu kê khai tại Điều 30 và tăng cường thanh toán qua tài khoản, qua thẻ. Trong khi Dự Luật mở rộng đối tượng phòng, chống tham nhũng ra ngoài khu vực Nhà nước, thì không có lý do gì lại thu hẹp phạm vi trong Nhà nước, mà đối tượng này lẽ ra phải là đối tượng bắt buộc kê khai” – ĐB nêu quan điểm.

Tuy nhiên, nhiều ĐB cho rằng, chỉ kê khai lần đầu khi cán bộ, công chức, viên chức được bổ nhiệm, tuyển dụng và chỉ kê khai bổ sung khi được bầu, bổ nhiệm lại, được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại DN hoặc khi có biến động tài sản thu nhập đến ngưỡng phải kê khai bổ sung. Phương án này phù hợp thực tiễn, giảm áp lực của người phải kê khai và đơn vị kiểm soát việc kê khai.

Phải tránh hình thức

Trước thực tế việc kê khai tài sản còn hình thức, kiểm soát bản kê khai còn nhiều bất cập, có ý kiến cho rằng, nếu mở rộng đối tượng kê khai ra quá rộng sẽ khó đảm bảo tính khả thi. Bởi số người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập quá lớn, trung bình khoảng hơn 1 triệu bản mỗi năm, vượt quá khả năng của các cơ quan có trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập. Đồng thời, nếu không theo dõi biến động, không xác minh tài sản, thu nhập của người kê khai, sẽ không khắc phục được tính hình thức như thời gian qua. Do đó việc mở rộng sẽ được thực hiện khi đã làm tốt công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng này và có đủ nguồn lực cho việc kiểm soát.

Theo ĐB Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long), nếu quy định như Dự Luật sẽ rất khó cho cơ quan thanh tra khi được phân công kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ. Nếu làm không tốt thì việc kê khai mang tính hình thức, tốn kém, nhưng hiệu quả không cao.
ĐB đề nghị, quy định theo hướng người đứng đầu cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm yêu cầu cán bộ, công chức dưới quyền phải kê khai tài sản, thu nhập, xác minh và theo dõi biến động theo quy định và hoàn toàn chịu trách nhiệm với cơ quan cấp trên về việc kê khai của cán bộ thuộc quyền; có trách nhiệm quản lý và cung cấp bảng kê khai cho các cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
Còn tài sản của người đứng đầu cơ quan cấp dưới, do người đứng đầu cơ quan cấp trên quản lý và sẽ thực hiện đầy đủ các yêu cầu theo quy định. “Quy định như thế sẽ sát sao, tăng thêm trách nhiệm của người đứng đầu. Đừng để việc kê khai tài sản trở thành một áp lực mà phải xem đây là một nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Quy định làm sao không áp lực, dễ làm nhưng hiệu quả cao” – ĐB kiến nghị.

Tuy nhiên, như nhiều ĐB đánh giá, muốn làm được điều đó, phải tách bạch rõ công khai và minh bạch trong kê khai và kiểm soát biến động tài sản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần