Dự án Nuôi trồng thủy sản tập trung: Mới ở khâu... duyệt dự án!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mục tiêu đến năm 2015, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) toàn thành phố đạt 23.000ha và đến năm 2020, con số này đạt 24.000ha.

KTĐT - Mục tiêu đến năm 2015, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) toàn thành phố đạt 23.000ha và đến năm 2020, con số này đạt 24.000ha.

Song đến thời điểm này, các huyện ngoại thành mới xây dựng được 12 dự án đầu tư xây dựng khu NTTS tập trung với diện tích hơn 2.400ha. Điều đáng nói là trong quá trình triển khai xây dựng, các dự án đều gặp khó.


Nông dân vẫn thờ ơ


Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết: Huyện Ba Vì có 2 dự án đang được đầu tư xây dựng gồm Dự án khu NTTS xã Vạn Thắng với quy mô 90ha, được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt từ năm 2008 với tổng vốn đầu tư 31 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP hỗ trợ 9,5 tỷ đồng, số còn lại trích từ ngân sách địa phương và vốn tự có của các hộ. Tuy nhiên, sau khi sử dụng xong nguồn vốn của TP vào việc thực hiện các hạng mục công trình như xây dựng đường vào... dự án rơi vào ngõ cụt. Do không huy động được nguồn vốn của các hộ dân và do một số công trình phải thay đổi phương án thi công nên không còn cách nào khác, UBND huyện Ba Vì lại tiếp tục đề nghị TP bổ sung kinh phí cho dự án.


Bên cạnh Dự án khu NTTS ở xã Vạn Thắng, Ba Vì còn có Dự án phát triển khu NTTS tại 5 xã Cổ Đô, Phú Đông, Phú Cường, Phong Vân và Vạn Thắng với quy mô hơn 342ha, vốn đầu tư 129 tỷ đồng, cũng đang gặp khó ở giai đoạn triển khai công tác dồn điền đổi thửa, giải phóng mặt bằng. Ông Hải cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng "tắc" của các dự án là do một số hạng mục cần thu hồi đất nhưng dự án chưa có kinh phí để giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, ở một số diện tích, chủ dự án (cụ thể là UBND huyện) không kêu gọi được người dân dồn điền đổi thửa, nên đành "dậm chân" đứng... chờ! Không riêng gì hai dự án ở Ba Vì, các dự án khác như Dự án khu NTTS ở các xã Trung Tú - Đồng Tân (huyện Ứng Hòa)... cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hiện hầu hết các khu NTTS mới dừng ở việc duyệt dự án.


Huyện, xã phải vào cuộc 


Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng khẳng định: Chủ trương của TP trong chương trình NTTS sạch là Nhà nước hỗ trợ một phần, địa phương và người dân đóng góp một phần. Mục tiêu của chương trình là NTTS chuyên canh nhưng hiện nay, các dự án vẫn đang làm theo hướng thâm canh là chính (tức là cấy 1 vụ, nuôi cá một vụ), chủ thầu vẫn là các chủ thầu cũ nên chưa kêu gọi được nhà đầu tư và chưa kêu gọi được tiền của dân.


Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiến nghị TP tiếp tục rót vốn và sớm quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và các dự án. Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan cần có sự hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các huyện trong việc xây dựng, giải quyết các thủ tục, thẩm định các dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Quan trọng hơn, tại các địa phương, UBND các xã, các ngành có liên quan và các đoàn thể của huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để thống nhất trong việc dồn điền đổi thửa, xây dựng và tổ chức sản xuất ở khu NTTS tập trung. Một số lãnh đạo địa phương cũng đề nghị TP giao cho Sở NN&PTNT và Sở TN&MT xây dựng quy chế dồn điền đổi thửa để trong trường hợp người dân không đồng thuận thì chính quyền sẽ dùng biện pháp cưỡng chế.

 

Tháng 7/2009, UBND TP đã phê duyệt Chương trình phát triển NTTS giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020 với tổng kinh phí hơn 1.900 tỷ đồng. Theo đó, TP sẽ tập trung chuyển đổi các vùng ruộng trũng, trồng hoa màu kém hiệu quả sang NTTS, chủ yếu đầu tư xây dựng vùng thủy sản tập trung tại một số huyện: Ba Vì, Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Ðức... Mục tiêu đến năm 2015, tổng diện tích NTTS toàn TP đạt 23.000ha và năm 2020 đạt 24.000ha; tương ứng tổng sản lượng thủy sản năm 2015 đạt khoảng 115.000 tấn, năm 2020 là 132.000 tấn. (N.B)