Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1: Giảm mức đầu tư, tăng diện tích đất

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trình bày trước Quốc hội về việc xem xét dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư 111.689 tỷ đồng.

Theo đó, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là Dự án quan trọng Quốc gia, được nghiên cứu thực hiện trên địa bàn huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Triển khai Nghị quyết số 94 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi được triển khai qua các bước: Thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách; Đấu thầu lựa chọn tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi; Thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi do ACV lập, dự án có tổng mức đầu tư là 111.689 tỷ đồng, tương đương 4,779 tỷ USD; thời gian thực hiện từ năm 2020 - 2025.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Mục tiêu là xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F, là Cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực ở giai đoạn 2, giai đoạn 3 của dự án.
Giai đoạn 1, dự án sẽ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ.
Các hạng mục đầu tư được phân thành 4 nhóm chính. Gồm: Hạng mục 1 - Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, giao ACV trực tiếp đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại.
Hạng mục 2 - Các công trình phục vụ quản lý bay, giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trực tiếp đầu tư bằng vốn của DN. Hạng mục 3 - Các công trình thiết yếu của Cảng hàng không, giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của DN. Hạng mục 4 - Các công trình dịch vụ phụ trợ, giao cho ACV hợp tác, nhượng quyền hoặc xã hội hóa đầu tư.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, tổng mức đầu tư dự kiến 111.689 tỷ đồng, tương đương với 4,779 tỷ USD. Như vậy, tổng mức đầu tư Dự án thấp hơn tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 94 là 4,782 tỷ USD (không bao gồm chi phí GPMB).
Bên cạnh đó, dự án cũng điều chỉnh tăng diện tích sử dụng đất giai đoạn 1 lên thành 1.810 ha, thay vì 1.165ha như tại Báo cáo nghiên cứu Tiền khả thi. Phần mở rộng dùng để xây dựng các công trình như: Kho giao nhận hàng hóa; Nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh; Hệ thống công trình dẫn đường hàng không; Bố trí các hồ điều hòa đảm bảo thoát nước…
Đồng thời, Tư vấn cũng đề nghị bổ sung diện tích đất san lấp mặt bằng cho đường cất hạ cánh song song (theo cấu hình đóng) nhằm tạo thuận lợi cho quá trình xây dựng sau này. Việc đề xuất điều chỉnh nêu trên không làm thay đổi tổng diện tích đất 5.000 ha dùng cho Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thống nhất cụ thể vị trí đất quốc phòng đảm bảo diện tích 1.050 ha như sau. Trong đó, bố trí 570 ha dùng riêng cho nhiệm vụ quốc phòng; 480 ha xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không (đường cất hạ cánh số 4 và đường lăn) dùng chung cho nhiệm vụ quốc phòng và dân dụng. Ưu tiên phục vụ cho các hoạt động quân sự (huấn luyện, tác chiến...), phục vụ hoạt động dân dụng khi nhu cầu khai thác tăng nhằm nâng cao sử dụng hiệu quả hạ tầng trong sân bay.
Phương án do Bộ GTVT trình lên Quốc hội cũng bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối. Tuyến số 1, dài 3,8 km, kết nối trục chính Cảng (đầu phía Tây) với Quốc lộ 51. Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 6 làn xe. Giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh, gồm 10 làn xe chạy chính và 6 làn đô thị song hành. Tuyến số 2, dài 3,5 km, kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Quy mô mặt cắt ngang 04 làn xe, chạy theo 2 nhánh song hành với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Do 2 tuyến đường bộ này trực tiếp phục vụ khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đồng thời Tuyến số 1 sẽ là đường công vụ chính để thi công Dự án nên rất cần bố trí vốn kịp thời để triển khai thi công. Trường hợp sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện thì sẽ chậm thêm 1,5 năm nữa. Do vậy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến này vào Dự án và giao ACV trực tiếp đầu tư.
Thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT trình và kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua nội dung chính của Báo cáo nghiên cứu khả thi đối với Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo công tác thẩm tra, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện Dự án, đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 94.
Tại báo cáo thẩm tra Dự án, Uỷ ban Kinh tế, Quốc hội khoá XIV đã cơ bản thống nhất với các nội dung của Dự án. Tuy nhiên, còn có ý kiến băn khoăn, cho rằng về tiến độ Dự án rất khó khả thi. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt để Dự án hoàn thành đúng tiến độ khi đã được Quốc hội thông qua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần