Dự án xây dựng Trạm biến áp 110kV thị trấn Phú Xuyên: Lợi ích kép cho người dân

Bài, ảnh: Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế & Đô thị đã có nhiều bài viết phản ánh việc xây Trạm biến áp (TBA) 110kV Phú Xuyên.

Trong thời gian qua, UBND huyện Phú Xuyên đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động, đối thoại để người dân hiểu rõ lợi ích của dự án (DA) nhằm đảm bảo cung cấp điện chất lượng, an toàn và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cho địa phương. Tuy nhiên gần đây, một số người dân thị trấn đã gây cản trở việc thực hiện DA.
Dự án  phù hợp quy hoạch
DA xây mới TBA 110kV tại xứ đồng Thạng Nội, tiểu khu Mỹ Lâm rộng 3.500m2 và đường dây cấp điện có tổng mức đầu tư 279,3 tỷ đồng do Ban Quản lý DA điện Hà Nội (Tổng Công ty Điện lực Hà Nội) làm chủ đầu tư đã được các sở, ngành thẩm tra, chấp thuận tại các văn bản. Cụ thể, Sở QH - KT đồng ý vị trí xây dựng TBA ở tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên tại Văn bản số 3438/QHKT-P7 ngày 9/11/2012. Qua đó, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 4750/VP-CT ngày 22/11/2012 chấp thuận vị trí xây dựng TBA này. Tiếp đến, ngày 25/6/2014, UBND TP có Quyết định số 3411/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường DA Trạm 110kV Phú Xuyên và đường dây cấp điện. Sau đó, DA đầu tư xây dựng công trình được phê duyệt theo Quyết định số 4499/QĐ/EVN HANOI ngày 28/11/2014 của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội. Cùng với đó, giấy phép quy hoạch cho TBA cũng đã được Sở QH - KT cấp theo Văn bản số 5774/GPQH ngày 27/12/2014… Tuy nhiên, từ giữa năm 2016 đến nay, khi triển khai thu hồi giải phóng mặt bằng (GPMB) DA đã vấp phải sự phản đối của một số hộ dân. Cũng từ đây, các hộ dân đòi hỏi chính quyền các cấp phải thực hiện điều chỉnh dịch chuyển vị trí DA để không gây ảnh hưởng cho người dân.

Quang cảnh buổi đối thoại liên quan đến dự án Trạm biến áp 110kV tại Phú Xuyên.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, trên địa bàn huyện Phú Xuyên chưa có TBA 110kV nên nguồn điện vẫn phụ thuộc vào TBA 110kV Tía đặt tại huyện Thường Tín, đang trong tình trạng quá tải. Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, để đảm bảo phục vụ sản xuất cho các làng nghề và sinh hoạt của Nhân dân trên địa bàn, nên việc triển khai DA xây TBA 110 kV là hết sức cấp thiết. Đây là DA trọng điểm được T.Ư, TP Hà Nội đầu tư cho huyện và giao cho Ban Quản lý DA điện làm chủ đầu tư với mục tiêu hoàn thành và đóng điện trong quý I/2018.  Khi DA hoàn thành, đi vào hoạt động không chỉ đảm bảo cung cấp điện chất lượng, an toàn cho người dân trên địa bàn tiểu khu mà nó còn phục vụ sản xuất công nghiệp cho các DN hoạt động trong Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội chuẩn bị đi vào hoạt động. Đây là cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế các làng nghề trên địa bàn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương.
Xây TBA 110kV là việc làm cấp thiết
Chủ tịch UBND thị trấn Phú Xuyên Nguyễn Viết Hải cho biết: “Căn cứ vào Thông báo số 215/TB-UBND ngày 9/11/2015 của UBND huyện Phú Xuyên về việc thu hồi đất thực hiện DA xây TBA110kV Phú Xuyên, UBND thị trấn đã công khai niêm yết phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở UBND thị trấn và các nhà văn hóa tiểu khu Mỹ Lâm, Thao Chính và  Phú Mỹ. Thông báo được thực hiện nhiều ngày trên loa truyền thanh về các bước triển khai DA, công tác GPMB. Như vậy, UBND thị trấn đã thông báo công khai, minh bạch, đúng quy định trước khi thực hiện DA. Nhưng gần đây, hàng chục hộ dân tiểu khu Mỹ Lâm không thuộc diện bị thu hồi đất thực hiện DA kiến nghị việc xây TBA ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, đồng thời đưa ra những đỏi hỏi vô lý, gây khó khăn cho quá trình thực hiện DA”.
Về thủ tục thực hiện DA, Phó Giám đốc Ban Quản lý DA điện Hà Nội Nguyễn Chí Thanh cho rằng: “Chủ đầu tư đã hoàn thiện thủ tục xây dựng theo đúng quy định của pháp luật. Theo đề nghị của các sở, ngành liên quan, UBND TP đã có văn bản chấp thuận vị trí quy hoạch xây TBA. Tiếp đó, các sở, ngành đã xem xét, thẩm tra, đánh giá tác động về môi trường và khẳng định việc thi công DA TBA 110kV không ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, sau khi người dân có ý kiến đề nghị dịch chuyển TBA ra xa hơn, các sở, ngành liên quan đã nghiên cứu, xem xét, đồng thời đề xuất với UBND TP dịch chuyển vị trí TBA và đã được TP chấp thuận cho dịch chuyển cách xa khu dân cư từ 80m thành gần 200m. Nếu DA không được thi công đúng kế hoạch sẽ làm ảnh hưởng đến việc cung cấp điện chất lượng, an toàn phục vụ chính cho người dân Phú Xuyên. Hơn nữa, làm giảm tốc độ phát triển kinh tế của địa phương”.
Liên quan đến nội dung này, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa khẳng định, Quy hoạch chung của Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt. Bên cạnh đó, Quy hoạch đô thị vệ tinh Phú Xuyên tỷ lệ 1/10.000 cũng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Mặt khác, thủ tục hồ sơ pháp lý của DA đã được các sở, ngành thẩm tra kỹ lưỡng và thực hiện xong bước đánh giá tác động môi trường. Đây là DA hết sức cấp thiết phục vụ cho phát triển kinh tế của địa phương. Thế nhưng, do chậm tiến độ hơn một năm cho nên việc triển khai ngay DA là rất cần thiết. “Đến nay, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đã nhiều lần tổ chức đối thoại để cầu thị, lắng nghe ý kiến bà con về quá trình triển khai DA xây TBA 110kV. Bên cạnh đó, đã có nhiều văn bản trả lời công dân, đồng thời báo cáo UBND TP về việc triển khai thực hiện DA. Các ý kiến của Nhân dân đều được sở, ngành có văn bản giải đáp, đồng thời khẳng định DA triển khai đúng quy hoạch, không có ảnh hưởng tới môi trường xung quanh và sức khỏe của Nhân dân. Những đề nghị của người dân trong thời gian qua đã được giải quyết thỏa đáng. Tuy nhiên, ngày 26/6 vừa qua, khi cán bộ chức năng xuống cắm bàn giao mốc giới vị trí mới dịch chuyển, hàng chục người dân đã có hành động quá khích không đáng có gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự cho địa phương. Trước sự việc này, tôi mong muốn người dân nên tỉnh táo tránh để kẻ xấu lợi dụng mà vi phạm pháp luật” - bà Hoa nói.
Vị trí đặt DA là đúng với quy hoạch phát triển điện lực TP giai đoạn năm 2011 -  2015 có xét đến năm 2020 và đúng với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Ngô Quý Tuấn
Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần