Dự án xe buýt BRT được WB giám sát chặt chẽ

Yến Dư (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để làm rõ một số thông tin xung quanh việc đấu thầu, thực hiện dự án tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa, chiều 8/3, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi trực tiếp với Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn.

 
Xin ông cho biết quá trình thực hiện đầu tư tuyến buýt BRT 01 phải tuân thủ những quy định nào?
- Tuyến buýt BRT 01 Kim Mã – Bến xe Yên Nghĩa là một trong 3 hợp phần của Dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội, sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB). Do đó, quá trình thực hiện phải tuân thủ đầy đủ các quy định của luật pháp Việt Nam cũng như yêu cầu và sự giám sát nghiêm ngặt của WB. Đặc biệt, Dự án đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn diện theo đề nghị của chủ đầu tư trước khi lập hồ sơ thanh quyết toán.
Ông lý giải thế nào về việc giá thành xe buýt BRT cao hơn xe buýt thông thường?
- Trước hết phải nhìn nhận, đó là sự so sánh có phần khập khiễng. Xe buýt BRT được đặt hàng làm riêng theo công nghệ hiện đại, đáp ứng những tiêu chuẩn đặc thù như số tự động, phanh thủy lực, sàn thấp, động cơ Nhật Bản… Tôi cho rằng, việc giá thành xe buýt BRT cao hơn buýt thường là chấp nhận được.
Ông giải thích thế nào về  thông tin cho rằng việc hủy rồi mở lại gói thầu mua sắm phương tiện có vấn đề?
- Đúng là chúng tôi đã hủy thầu đối với Liên danh Openasia Equipment Limited - Volvo Bus, do quá trình đàm phán hợp đồng, liên danh này không đáp ứng các điều kiện an toàn đề ra ban đầu trong hồ sơ dự thầu. Từ việc hủy thầu, mở lại cho đến phê duyệt nhà thầu mới là Liên danh Công ty CP Thiên Thành An - Công ty CP Ô tô Trường Hải đều được cơ quan chức năng và WB xem xét, chấp thuận. Tôi muốn nhấn mạnh chi tiết, từ khi hủy thầu lần 1 cho đến lúc đấu thầu lại là 8 tháng chứ không phải một tháng như thông tin dư luận.
Có đúng là số tiền bỏ ra mua bảo hiểm cho một số hợp phần của dự án lên đến gần 170 tỷ đồng?
- Tôi không biết thông tin chi 170 tỷ đồng mua bảo hiểm ở đâu ra. Thực tế, tổng chi phí mua bảo hiểm cho 4 hợp phần của dự án chỉ là 170 triệu đồng mà thôi.
Gói thầu tăng cường thể chế năng lực có bị đội vốn so với dự toán hay không?
- Gói thầu này sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại từ quỹ GEF, chủ yếu là để thực hiện chuyển giao kỹ thuật và tư vấn, hỗ trợ. Hiện, gói thầu chưa được quyết toán nên chưa có con số cụ thể, nhưng cũng như nhiều hạng mục khác của dự án, chi phí cho gói thầu có thể sẽ thấp hơn dự toán ban đầu.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần