Dự báo tăng trưởng năm 2021: Lạc quan nhưng không chủ quan

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng kinh tế là mục tiêu có tầm quan trọng hàng đầu trong các mục tiêu (gồm tăng trưởng cao, lạm phát thấp, cán cân thanh toán có số dư, thất nghiệp ít, môi trường được bảo vệ và cải thiện).

Có nhiều kịch bản tăng trưởng
Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 được một số tổ chức dự báo có chênh lệch rất lớn. Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra 2 kịch bản. Kịch bản tăng thấp nhất còn thấp hơn cả tốc độ GDP 2,91% của năm 2020. Nếu kịch bản này xảy ra thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ “rơi” vào mô hình chữ U (năm 2018, 2019 tăng trên 7%, năm 2020 “rơi” xuống “đáy” 2,91%, năm 2021 lại tiếp tục nằm ở “đáy”). Kịch bản cao vẫn còn thấp hơn tốc độ tăng GDP theo Nghị quyết của Quốc hội (6,0%) và còn thấp hơn nữa so với tốc độ tăng theo quyết tâm của Chính phủ (6,5%).

Điểm xuất phát của VEPR là sự bùng phát dịch Covid-19 đợt mới vào đầu tháng 1/2021 ở Việt Nam biến thể phức tạp. Diễn biến này sẽ tác động tiêu cực đến nhiều hoạt động kinh tế, đến thu nhập và tiêu thụ trong nước, cản trở sự phục hồi tăng trưởng.
 Hoạt động bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Đình Vũ, TP Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng
Viện Kinh tế đưa ra 3 kịch bản, nhiều hơn và khả quan hơn so với VEPR và đều cao hơn tốc độ tăng trưởng của năm 2020. Hai kịch bản tăng trưởng của Viện Kinh tế Việt Nam cùng xuất phát từ yếu tố dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, chỉ khi dịch này được kiểm soát và phát huy các lợi thế (đà cao lên của tăng trưởng kinh tế vào cuối năm 2020, kỳ vọng sẽ có nhiều bước đi mới, chính sách mới và thực hiện phát triển kinh tế - xã hội,…), thì có thể đạt được mức tăng trưởng cao theo kịch bản cao.

Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã đưa ra 3 kịch bản. Kịch bản thấp nhất tăng trưởng kinh tế cũng cao hơn tốc độ của cả năm 2020, cao hơn kịch bản thấp nhất của VEPR và của Viện Kinh tế Việt Nam. Hai kịch bản trung bình và cao, nhất là kịch bản cao lại quá lạc quan, không những cao hơn kịch bản cao của VEPR, của Viện Kinh tế Việt Nam, mà còn cao hơn cả dự báo của IMF, WB, cao hơn cả mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội và quyết tâm của Chính phủ.

Căn cứ mà tổ chức này đưa ra kịch bản cao như trên xuất phát từ nhiều điểm. Thứ nhất, số gốc so sánh thấp của năm 2020 sẽ làm cho kỳ vọng tốc độ tăng của năm 2021 cao lên. Một điểm khác nữa là khả năng kiểm soát dịch bệnh vào nửa đầu năm 2021, Việt Nam sẽ bước vào trạng thái “bình thường mới”, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII sẽ phát huy tác dụng,… Theo dự báo của tổ chức này thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ diễn biến theo mô hình chữ V (xuống đáy năm 2020 và vượt lên trong năm 2021).

Tăng trưởng kinh tế năm 2021 sẽ cao hơn năm 2020?

Từ các kịch bản của các tổ chức và ý kiến cá nhân, người viết nêu một số quan điểm về tăng trưởng kinh tế năm 2021 trên một số nét cơ bản.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế năm 2021 sẽ cao hơn tốc độ tăng của năm 2020 theo mô hình chữ V (cao trong các năm 2018, 2019, xuống đáy trong năm 2020 và vươt lên cao hơn từ 2021 trở đi). Có nghĩa là không theo mô hình chữ U (xuống đáy nằm ở đó vài năm rồi mới vượt lên); không theo mô hình chữ W (xuống đáy rồi vượt lên, rồi xuống đáy một lần nữa); không theo mô hình chữ L (xuống đáy rồi nằm ở đó chưa biết bao giờ mới vượt lên). Dự báo này xuất phát từ nhiều căn cứ.

Tăng trưởng năm 2020 xuống đáy đồng nghĩa với số gốc so sánh thấp xuống thì tốc độ tăng sẽ cao lên. Năm 2020 xuống đáy chủ yếu là 6 tháng đầu năm, còn 6 tháng cuối năm, đặc biệt là quý IV đã tăng cao trở lại, tạo đà tiếp tục tăng cao lên sang năm 2021. Dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 1/2021, nhưng đến nay đã được bao vây, kiểm soát; kỳ vọng dịch sẽ được kiểm soát, giảm áp lực đối với thực hiện mục tiêu thứ hai là phát triển kinh tế - xã hội sớm hơn và tăng mạnh hơn năm trước. Do đó, kịch bản thấp của VEPR (thấp hơn năm trước) hay của Viện Kinh tế Việt Nam, hay của BIDV khó xảy ra, thậm chí là không xảy ra.

Thứ hai, cũng không thể chủ quan với kỳ vọng đạt được tốc độ tăng cao gấp nhiều lần so với năm trước. Theo đó, tốc độ tăng theo kịch bản trung bình, đặc biệt là theo kịch bản cao của BIDV và kịch bản cao của Viện Kinh tế Việt Nam là quá lạc quan.

Ngay dự báo tăng 6,7% của IMF, WB và mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội hay quyết tâm của Chính phủ cũng phải có giải pháp quyết liệt để khắc phục các lực cản mới có thể đạt được. Lực cản đầu tiên là dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng đã lan rộng ra hàng chục tỉnh/TP trong cả nước. Trong tháng 1/2021, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời gian tới gần 18,1 nghìn (cao hơn gấp rưỡi cùng kỳ năm trước), số DN hoàn tất thủ tục giải thể tăng 29,2%; cộng số DN rời khỏi thị trường và tạm thời rời khỏi thị trường lên đến gần 20,2 nghìn, cao gấp trên 1,5 lần cùng kỳ. Số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 16,6 nghìn DN. Như vậy, số ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường nhiều hơn số gia nhập hoặc trở lại thị trường là gần 3,6 nghìn DN, tức là số DN đang hoạt động bị giảm, từ 783,1 nghìn cuối năm trước, đến cuối tháng 1/2021 chỉ còn 779,5 nghìn - còn cách xa mục tiêu 1 triệu DN đang hoạt động đến năm 2020…

Những vấn đề trên cho thấy, tiếp tục chống dịch theo phương châm “chống dịch như chống giặc”. Tuy nhiên không hoảng loạn. Ngành nào, lĩnh vực nào, vùng nào có thể hoạt động được thì một mặt thực hiện “5K”, mặt khác để bù cho những ngành, lĩnh vực, vùng khác, tiếp tục thực hiện các biện pháp “giải cứu” như đã từng giải cứu trong thời gian qua,… Nhà nước có thể nới lỏng chính sách tiền tệ, kích cầu với quy mô lớn hơn, kịp thời hơn nhưng tránh thông qua “cấp bù lãi suất” như cách đây hơn 10 năm sẽ làm cho lạm phát bùng phát...