Dư địa lớn cho phát triển

Khắc Kiên - Lê Nam ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế hướng tới công khai minh bạch, tận dụng cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0..., năm 2018 được các DN kỳ vọng, từ những dư địa lớn được tạo ra sẽ tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh.

 Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Partron Vina. Ảnh: Trần Việt
Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa: Ngành thép sẽ tăng trưởng 22%
Năm 2017, ngành thép Việt Nam có bước phát triển vượt bậc về công suất, sản lượng và nhu cầu, đứng số 1 Đông Nam á. Năm 2018, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường có tăng trưởng nhu cầu thép cao trong khu vực. Dự báo, toàn ngành sẽ tiếp tục tăng trưởng sản xuất khoảng 20 - 22% so với năm 2017. Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là thép cuộn cán nóng với 154%, tiếp đến là thép ống hàn 15%, tôn mạ và sơn phủ màu 12%, thép xây dựng 10% và thép lá cuộn cán nguội là 5%. Đặc biệt, với những dự án sẽ đi vào hoạt động, dự kiến sản lượng sản xuất các sản phẩm thép năm nay sẽ tăng lớn: Gang đạt 7.500 tấn (tăng khoảng 75% so với năm 2017); phôi thép sẽ đạt 14.000 tấn (tăng 14% so với năm 2017); sản phẩm thép cuối cùng đạt 26.230 tấn (tăng 19% so với năm 2017)…

Sự phát triển ngành thép là rất mạnh mẽ trong đó có sự tham gia, đóng góp của các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế, đặc biệt là thành phần kinh tế tư nhân cũng như các DN trong khối đầu tư nước ngoài (FDI) với các nhà sản xuất thép mới như Fomosa, Posco, Hòa Phát… Tuy nhiên, những thay đổi mang tính chiến lược của các nước trong khu vực đòi hỏi ngành thép Việt Nam cần phải tư duy lại vai trò của mình. Nhà nước cũng cần phải xem xét, thông qua các biện pháp, công cụ khác, không hẳn là những bản quy hoạch. Trong đó, khuyến khích sự phát triển của các ngành công nghiệp tiêu thụ thép như xây dựng, tàu biển, ô tô, cơ khí để thúc đẩy nhu cầu sử dụng thép trong thời gian tới.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ tin học EFY Việt Nam Hoàng Văn Thuấn: Tận dụng cơ hội từ cách mạng 4.0

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, là cơ hội để Công ty đầu tư lớn hơn, trọng tâm hơn vào lĩnh vực mình có thế mạnh, nhất là phát triển CNTT: Mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất nông nghiệp, xây dựng kho dữ liệu tài nguyên số, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho nguồn nhân lực Việt Nam… YFY đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một đơn vị hàng đầu trong việc cung cấp giải pháp và xây dựng phần mềm tin học, trong đó chú trọng đến phần mềm BHXH, hóa đơn điện tử...

Có một điều mong muốn, trong chính sách cần định hướng được là DN lớn nên khuyến khích làm việc lớn, DN nhỏ thì làm việc nhỏ. Nghĩa là tạo ra chuỗi liên kết giữa các DN, từ cung ứng đến sản xuất ra thành phẩm đến phân phối tới người tiêu dùng, không thể mạnh ai nấy làm. Bởi DN lớn lại đầu tư đi làm việc nhỏ sẽ lãng phí nguồn lực xã hội, các DN lớn nên đồng hành cùng Nhà nước bằng các chương trình hỗ trợ DN nhỏ phát triển một cách cụ thể thiết thực.
 Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ tin học EFY Việt Nam Hoàng Văn Thuấn
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Thị Hải Thanh: Cần thêm chính sách hỗ trợ ngành bán lẻ phát triển

Năm 2017, ngành bán lẻ đã có sự phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, để cạnh tranh với DN bán lẻ ngoại nhập và có chỗ đứng bền vững trên thị trường thì DN Việt Nam cần vượt qua các thách thức từ mô hình mua sắm truyền thống sang hình thức mua sắm hiện đại và đầu tư vào chuỗi các cửa hàng, siêu thị bán lẻ, liên kết để phát triển các hình thức bán lẻ mới.
Trong đó, hình thức bán hàng trực tuyến cũng đã rất phát triển và là một hình thức khá hiệu quả. Hình thức này phải đặc biệt chú trọng vì nó sẽ là phương thức giao dịch thống trị trong tương lai, thay thế cho các loại hình bán lẻ khác.
Nhanh chóng tạo lập và phát triển hệ thống chuỗi, chân rết ở các địa phương, tìm kiếm vị trí kinh doanh thuận lợi và đầu tư bài bản, kết nối với các nhà cung cấp và trở thành nhà đại lý phân phối cho nhiều nhà sản xuất, kết nối thị trường Bắc Nam, tạo kênh hàng hóa hai miền phục vụ tối đa cho nhu cầu xuất khẩu và thị trường trong nước.

Việc xây dựng chiến lược và quy hoạch mạng lưới bán lẻ, siêu thị ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn một số TP lớn như Hà Nội nói riêng thời gian qua phần nhiều mang tính tự phát. Do đó cần có sự mất cân đối giữa cung và cầu trên địa bàn cả nước và các địa bàn trọng điểm.
Vì vậy, trong thời gian tới, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần tiếp tục có sự hoạch định cụ thể để xây dựng mạng lưới bán lẻ cho phù hợp. Đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển, qua đó góp phần tăng sức cạnh tranh của các DN trong nước trước các tập đoàn nước ngoài.
Cụ thể: Chính sách hỗ trợ mặt bằng kinh doanh siêu thị; Khuyến khích đầu tư trong nước và ngoài nước để phát triển hệ thống quy mô lớn, chuỗi siêu thị Việt Nam. Khuyến khích liên doanh, liên kết giữa các nhà bán lẻ trong nước và nước ngoài để hình thành hệ thống bán lẻ hiện đại đủ mạnh mang thương hiệu Việt; Chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng siêu thị và thương mại điện tử.
Đặc biệt, DN bán lẻ Việt Nam mong chờ Nhà nước xây dựng chính sách tài chính ưu tiên phát triển cho loại hình bán lẻ hiện đại. Có như vậy là bởi hiện DN bán lẻ muốn kinh doanh loại hình này phải tự đi huy động vốn mà không được hưởng bất kỳ ưu đãi nào. Trong khi đặc thù của loại hình kinh doanh này có vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, do đó các DN trong nước cần phải được hưởng ưu đãi về vốn và thuế từ các quỹ tín dụng.
 Phó Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn Sơn Hà Trịnh Thị Khanh
Phó Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn Sơn Hà Trịnh Thị Khanh: Thị trường trong nước đầy tiềm năng

Trên đà tăng tốc ấn tượng của GDP cả nước năm 2017, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2018 dự báo sẽ có nhiều khởi sắc, trong đó điểm sáng là lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, ngân hàng và bất động sản. Chính vì thế, ngoài việc phát triển mạnh bồn tự hoại Septic, tới đây, Sơn Hà sẽ sản xuất các sản phẩm có nhiều “chất” công nghệ hơn như điều hòa, tủ lạnh… mang thương hiệu Việt với chất lượng phù hợp, giá cả hợp lý.
Bởi, thị trường với hơn 90 triệu dân tiêu thụ, có mức thu nhập bình quân đầu người ngày càng được cải thiện chắc chắn sẽ là mảnh đất đầy tiềm năng cho các DN sản xuất, kinh doanh khai thác. Bên cạnh đó, những dấu hiệu tích cực của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, cùng với tốc độ hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam cũng góp phần tạo thêm động lực, cơ hội và thách thức cho các DN trong nước mở rộng và phát triển.

Song, để phát triển sản xuất kinh doanh, tôi nghĩ đổi mới về thể chế, cơ chế và chính sách sẽ giúp các DN Việt Nam, nhất là DN tư nhân không bị nhấn chìm trong dòng chảy cạnh tranh và tự tin hội nhập. Vì vậy, mong rằng Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách thể chế, đồng thời ban hành nhiều chính sách, kế hoạch ưu đãi hơn dành cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa, DN tư nhân. Chẳng hạn, về đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn, thu hút vốn nước ngoài… để từng bước cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, thúc đẩy các DN Việt vững vàng hội nhập.