Dự đoán OPEC tăng sản lượng đẩy giá dầu thế giới giảm

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu đi xuống trong ngày 23/5 do nhiều khả năng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể tăng sản lượng, tạo sức ép lên thị trường mặc dù nguy cơ địa chính trị đã hạn chế đà giảm.

OPEC và các nguồn tin trong ngành dầu mỏ cho biết khối này có thể quyết định tăng sản lượng dầu ngay trong tháng 6/2018 do lo ngại về nguồn cung dầu của Iran và Venezuela và sau khi Mỹ tỏ ý quan ngai về đà tăng của giá dầu.
Cụ thể, giá dầu thô Brent kỳ hạn giảm 53 xu Mỹ xuống 79,04 USD/thùng sau khi tăng 35 xu Mỹ trong phiên trước đó. Dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 24 xu Mỹ xuống 71,96 USD/thùng sau khi tăng lên 72,83 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014 trong phiên 22/5.
Giá dầu giảm do OPEC có thể nới lỏng việc hạn chế nguồn cung.
Giá dầu đã tăng gần 20% tính đến thời điểm hiện tại với dầu Brent đã đạt 80,5 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 11/2014, chủ yếu nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga. Hoạt động cắt giảm nguồn cung cho đến nay đã làm hạn chế đáng kể lượng dự trữ dầu dôi dư tại các nước công nghiệp hóa dựa trên các mục tiêu đề ra ban đầu trong khi dự trữ dầu tiếp tục suy yếu.
Các nước trong và ngoài OPEC đã đồng ý hạn chế sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng/ngày cho đến hết năm 2018 để giảm tồn kho toàn cầu, nhưng dự trữ hiện nay đã giảm gần với mục tiêu của OPEC.
Mức tuân thủ của OPEC theo thỏa thuận này đã cao chưa từng thấy 166% trong tháng 4, nghĩa là đã cắt giảm mạnh trên mức mục tiêu của mình.
Các nước OPEC vùng Vịnh đang dẫn đầu các cuộc đàm phán, do tổ chức xuất khẩu này có thể tăng sản lượng dầu để làm dịu thị trường sau khi giá dầu tăng trên 80 USD/thùng vào tuần trước và phân bổ mỗi thành viên có thể bổ sung bao nhiêu thùng.
OPEC có thể đưa ra quyết định nâng sản lượng trong cuộc họp vào tháng 6 tới để quyết định về chính sách của họ, nhưng không chắc chắn tổ chức này sẽ cần nới lỏng việc hạn chế nguồn cung như thế nào. OPEC và các đồng minh ngoài OPEC có thể lựa chọn nới lỏng mức độ tuân thủ cao kỷ lục theo thỏa thuận hạn chế nguồn cung.
Các lo ngại về khả năng xuất khẩu dầu của Iran giảm sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời sẽ tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tehran là nguyên nhân đẩy giá dầu lên các mức cao trong nhiều năm những phiên gần đây. 
Trong ngày 21/5, Mỹ đã yêu cầu Iran thực hiện các thay đổi sâu rộng gồm việc từ bỏ chương trình hạt nhân, rút khỏi cuộc nội chiến Syria, nếu không sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt.
Michael McCarthy - chiến lược gia trưởng về thị trường tại CMC Markets nhận định, dường như thị trường đang dừng lại ở các mức hiện tại. Nếu Iran bị Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt, hầu hết các nước sản xuất dầu trong OPEC sẽ bơm thêm dầu, trong bối cảnh giá dầu tăng cao.
Olivier Jakob - chiến lược gia tại Petromatrix cho biết, nếu các thành viên OPEC quyết định nới lỏng thỏa thuận cắt giảm nguồn cung, khả năng giá dầu có thể tăng vọt tới 100 USD/thùng được chuyển từ việc “thiếu nguồn cung cấp kịp thời” sang 'thiếu năng lực dự trữ”.
Tuy nhiên, nguồn cung đang tăng tại Mỹ, nơi sản lượng dầu đá phiến được dự báo đạt mức cao kỷ lục trong tháng 6, nhiều khả năng sẽ hạn chiều tăng giá. Dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm trong tuần trước, trong khi dự trữ xăng bất ngờ tăng, theo số liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần