Du học sinh tại Hàn Quốc: Nỗi niềm “lấy ngày làm đêm”

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với khoản học phí lớn, điều kiện ăn ở, cản trở ngôn ngữ, sự khắt khe của luật pháp và áp lực phải kiếm tiền đã ảnh hưởng không nhỏ tới du học sinh tại các nước tiên tiến, trong đó có Hàn Quốc.

Đến lớp... bắt đầu ngủ
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Đào Tiến Công - học viên của chương trình “Công chức trao đổi” giữa Việt Nam - Hàn Quốc, hiện đang sinh sống tại tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc) cho hay, du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc dù được tiếp cận nền văn minh tiến bộ, nhưng, ở đây họ phải đối mặt với nhiều thách thức.
 Khuôn viên Đại học Quốc gia Incheon.
Ông Công dẫn chứng, nhiều du học sinh sẽ phải đối mặt với các cám dỗ về vật chất. “Nhiều người cứ nghĩ, đi du học là những gia đình khá giả, sẵn sàng trả cả tỷ đồng cho mỗi năm học của con cái mình. Nhưng ở đây, tôi đã gặp gỡ và nói chuyện với nhiều học sinh từ Việt Nam sang. Họ kể, bố mẹ thậm chí phải cầm cố cả sổ đỏ ở ngân hàng để đóng học phí cho con” - ông Công nói. Chính vì không ít gia cảnh khó khăn khi cho con cháu du học, nhiều lưu học sinh đã nhanh chóng tiếp cận những dịch vụ làm thêm cả trong và ngoài giờ học.
Ông Đào Tiến Công cho biết thêm: "Tình trạng học sinh đi làm thêm rất nhiều. Nhưng ở Hàn Quốc, nếu được vào diện đi làm đúng luật thì thu nhập chả đáng bao nhiêu, mỗi tháng học sinh chỉ được phép làm thêm 20 giờ. Và với mức chi trả khoảng 8.400 won, tức chỉ chừng 160.000 đồng mỗi giờ làm”. Chính vì việc “làm đúng luật” cho thu nhập quá thấp, nhiều học sinh đã tìm cách tiếp cận các cửa hàng, quán ăn hay những nơi sẵn sàng “gỡ rào” để họ có thể làm thêm hàng chục giờ mỗi ngày.
“Bởi vậy, nhiều học sinh đến lớp là bắt đầu ngáp ngắn, ngáp dài và lăn ra ngủ. Họ đã thức cả đêm để làm thêm, đến giờ học tinh thần uể oải, mệt mỏi, ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập” - ông Công nói.
Đối mặt nguy cơ bị “bùng lương”
Đề cập đến chuyện du học tại Hàn Quốc, chị Đoàn Thị Ly Hương (24 tuổi, quê Nghệ An, người từng du học tại Hàn Quốc 2 năm) chia sẻ: “Các du học sinh bên này thường hay trêu nhau câu “đến tháng”. Đó là lúc chúng tôi phải gom tiền gửi về quê phụ giúp gia đình trang trải các khoản chi trả từ ngân hàng và sinh hoạt. Nhà tôi phải vay mượn, cầm cả đất cát để có vài trăm triệu đồng lo cho tôi đi du học”.
Cũng theo chị Hương, không phải tháng nào cũng đều đặn “như vắt chanh” có được một khoản tiền dôi dư, bởi phải đối diện với các nguy cơ bị chủ lao động “bùng lương” như cơm bữa. "Thực tình, nếu tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật ở Hàn Quốc, những lưu học sinh như chị Hương không thể đủ sống.
 Các du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc.
Một khi đã đi làm thêm quá giờ, ngoài giờ, vượt giờ, mọi người đều ngầm hiểu mình đang vi phạm pháp luật. Mọi giao dịch với chủ lao động đều được giấu kín, và khi họ trở mặt, cắt lương, không ai dám phản ánh với cơ quan chức năng hay khởi kiện. Đây là thiệt thòi chung cho những lưu học sinh khó khăn về tài chính khi du học.
Theo nhiều người Việt sống tại Hàn Quốc, họ chứng kiến tình trạng du học sinh phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Dẫu biết đó là những công việc phi pháp, nhưng do áp lực kinh tế, không ít người sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Luật pháp rất nghiêm khắc
Cũng theo chia sẻ của ông Đào Tiến Công, hệ thống luật pháp của Hàn Quốc rất nghiêm khắc, trong đó có nhiều chế định phạt tiền hoặc trục xuất có hiệu lực ngay lập tức. Với con đường “du học - thiếu tiền - làm thêm - phạm luật - bị phạt tiền - trục xuất”, ông Công cho rằng, không ít du học sinh Việt Nam rơi vào vòng xoáy này.
Bàn về câu chuyện này, luật sư Nguyễn Chiến - Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay, khi hai quốc gia có quan hệ ngoại giao, trong đó có việc tạo điều kiện liên kết đào tạo hay các hoạt động khác, ưu tiên số một vẫn là các hiệp định tương trợ, điều ước quốc tế. Riêng với tình huống 161 học sinh Việt Nam tự ý nghỉ học qua 15 ngày, luật sư Nguyễn Chiến nhận định, ngoài việc tuân thủ các chế định chung, những người này còn phải đối mặt với hệ thông pháp luật nội địa nghiêm khắc.
Theo Luật mới du học Hàn Quốc, do Bộ Tư pháp Hàn Quốc soạn thảo, có hiệu lực từ 1/3/2019, việc các du học sinh tự ý rời nhà trường, đi làm thêm sẽ phải đối mặt với nhiều chế định nghiêm khắc. Cụ thể, quy định về làm thêm, đạo luật nêu rõ, chỉ áp dụng đối với học sinh, sinh viên có điểm chuyên cần (điểm danh đến lớp) từ 90%, bảng điểm từ điểm C (2.0 tín chỉ) mới được phép đăng ký đi làm thêm.
Ngoài ra, tùy vào khả năng học tiếng Hàn Quốc, các học sinh, sinh viên được chia theo các thang, bậc cụ thể. Ví dụ, học sinh khóa học tiếng Hàn phải có Topik 2 trở lên và tỷ lệ đến lớp học trên 90% mới được cấp phép đi làm thêm; sinh viên học trung cấp nghề, đại học năm thứ nhất, năm thứ 2 phải có chứng chỉ tiếng Hàn Quốc Topik 3 trở lên thì Cục Xuất nhập cảnh mới cấp phép đi làm thêm; các ứng viên học cao học phải có Topik 4 trở lên mới được đi làm thêm.
Đối với nhà trường, đạo luật nói trên cũng có những chế định hết sức nghiêm khắc. Theo đó, với các trường đại học, khi có tỷ lệ bỏ trốn cao hơn 10% sẽ không được phép tuyển sinh thêm du học quốc tế cho tới khi số người này về nước và có tỷ lệ dưới 5%.
Trong tình huống liên quan đến gia hạn hoặc đổi visa mới, Luật mới du học Hàn Quốc cũng có những quy định chi tiết. Vấn đề gia hạn thêm thời hạn visa hoặc chuyển đổi visa này chỉ áp dụng đối với du học sinh quốc tế học tiếng Hàn, học cao đẳng, đại học, cao học.
Tất cả du học sinh quốc tế có điểm chuyên cần dưới 70%/kỳ học sẽ không được gia hạn visa thêm kỳ tiếp theo. Tiếp nữa, tất cả bảng điểm chuyên cần dưới 80%/kỳ lần đầu tiên được phép gia hạn visa (nhưng phải làm bản lý do tại sao không đến lớp học đủ 80% trở lên và các cam kết kỳ sau tiến bộ hơn - viết tay) từ lần 2 trở đi sẽ bị từ chối gia hạn visa.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT cho hay, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã làm việc với Viện Ngôn ngữ Hàn Quốc thuộc Đại học quốc gia Incheon, được biết, hiện có 1.800 học sinh Việt Nam đang theo học tại đây. Liên quan sự vụ lưu học sinh Việt Nam mất tích tại Hàn Quốc, ông Hưng cho hay, hiện phía Bộ vẫn tiếp tục liên hệ, trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền phía Hàn Quốc để cùng làm rõ sự việc. 

Theo tìm hiều của chúng tôi, việc lưu học sinh bỏ học, tự ý đi làm thêm trái phép có thể bị truy nã mức toàn quốc, hết cơ hội lưu trú tại Hàn Quốc, bị phạt tiền cả ngàn USD và thậm chí ngồi tù tới 6 tháng.


"Tôi theo học lớp công chức trao đổi giữa hai quốc gia 2 năm. Nhưng, cũng phải thú thật, có quá nhiều áp lực. Trước tiên là ngôn ngữ, tôi thấy tiếng Anh thì còn dễ, nhưng ngôn ngữ Hàn rất khó, nắm bắt ý tứ, câu chữ luôn là những khó khăn cho những công chức như tôi. Ngoài ngôn ngữ, văn hóa cũng là một rào cản, nếu không hiểu văn hóa nước bạn, những ứng xử tưởng chừng nhỏ nhất nếu ở Việt Nam, có thể sẽ vi phạm pháp luật ở Hàn Quốc." - Ông Đào Tiến Công - Học viên của chương trình “Công chức trao đổi” giữa Việt Nam - Hàn Quốc