Du học sinh về Việt Nam học đại học có phải kiểm tra đầu vào?

Oanh Trần - Minh Tốt - Thanh Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT, các trường đại học (ĐH) Việt Nam tạo điều kiện tối đa khi tiếp nhận du học sinh (DHS) từ nước ngoài trở về học tập. Tất nhiên, khi các DHS cũng phải đáp ứng những yêu cầu cụ thể đối với nhà trường.

Dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, nhiều nước chưa thể kiểm soát tốt nên DHS Việt Nam khó có khả năng quay trở lại nước sở tại học tập trong thời gian tới. Trước thực tế này, ngày 15/7, Bộ GD&ĐT có công văn gửi các cơ sở giáo dục ĐH tiếp nhận DHS Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch Covid-19.
DHS Việt Nam từ nước ngoài có nguyện vọng về nước học tiếp, cần thực hiện những thủ tục gì? Trước những băn khoăn của các phụ huynh, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT PGS.TS Nguyễn Thu Thủy phản hồi: Tại Điều 10, Khoản 3, Thông tư số 10/2014 của Bộ GD&ĐT, quy định tiếp nhận DHS ở nước ngoài nêu rõ các em phải chuẩn bị hồ sơ, đơn chuyển trường, chuyển kết quả học tập, ý kiến các cơ quan chủ quản đối với người được cử đi học. Sinh viên có thể yên tâm về thủ tục nhanh gọn, các trường và thầy cô ở Việt Nam sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ hết sức.
Các trường đại học tại Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận du học sinh trở về nước có nhu cầu tiếp tục học tập. Ảnh: Internet.
Trường hợp ngành học của DHS chưa có tại Việt Nam, bà Thu Thủy khuyên DHS tìm kiếm thông tin trường nào đang đào tạo những ngành, chuyên ngành, khối ngành gần nhất mà các em đang theo đuổi. Như thế DHS sẽ có lợi khi các trường xem xét sự tương đồng về môn học, khả năng được công nhận tích lũy tín chỉ.
“Tôi tin với hơn 200 trường ĐH tại Việt Nam, không khó khăn gì tìm kiếm một chương trình đào tạo. Nếu ngành đào tạo nào đó ở một trường ĐH nước ngoài mà tại Việt Nam chưa có, tôi nghĩ xác suất vô cùng thấp” - GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Phó Trưởng Ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội nói.
Trao đổi về trường hợp DHS học gần hết khóa học tại nước ngoài, khi về nước có tiếp tục được học tiếp và có được cấp bằng của trường đã học, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng: Việc công nhận là sự thỏa thuận giữa hai trường, là cả một quá trình về công nhận tín chỉ. Các em về Việt nam và được công nhận vào học tiếp thì phải có hội đồng chuyên môn xem xét. Khi DHS đáp ứng được tất cả các yêu cầu về tốt nghiệp thì trường này sẽ cấp bằng. Khả năng sinh viên được cấp bằng tại trường nước ngoài phụ thuộc vào việc ký kết, hợp tác ở cấp độ nào.
Thực tế đã có những trường hợp học sinh thi vào 1 trường ĐH ở Việt Nam nhưng không trúng, sau đó gia đình cho đi du học nước ngoài và thi đạt các chứng chỉ như SAT...
“Nếu vào học một trường ĐH tốt và tiếp tục học tập 2 - 3 năm, với điều kiện bảng thành tích học tập tốt, trường ranking cao, khi muốn quay trở lại trường mình đã thi trượt thì các trường có cơ sở để xem xét. Bởi năng lực học tập của các em đã được cải thiện thông qua bảng thành tích tại trường sở tại” - ông Điền tư vấn.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, những năm gần đây, các trường ĐH trên toàn quốc đã đổi mới phương thức tuyển sinh, đa dạng hóa phương thức tuyển sinh bắt kịp với thế giới như dùng các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, SAT, ACT.
Do đó, DHS hoàn thành chương trình THPT hoàn toàn có thể dùng các chứng chỉ quốc tế để xét tuyển vào các trường ĐH Việt Nam. Hiện nay, số lượng các trường ĐH ở Việt Nam dùng chứng chỉ này để xét tuyển đầu vào ngày càng tăng nên DHS về nước có rất nhiều lựa chọn...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần