Du học sinh Việt Nam tại Mỹ: Giật mình đến hai lần

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) thông báo, du học sinh tại Mỹ sẽ phải về nước nếu các cơ sở giáo dục tại Mỹ chuyển sang dạy online 100% vào mùa Thu tới. Khi đó những sinh viên nước ngoài ở lại Mỹ sẽ bị coi là cư trú bất hợp pháp. Thông tin mới nhất, do áp lực từ nhiều phía, chính quyền Trump hủy kế hoạch trục xuất du học sinh học online.

 Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng sinh viên du học tại Hoa Kỳ. Ảnh minh họa. Nguồn: BaoToquoc.
Tuy nhiên, khi câu chuyện này xảy ra, người ta mới giật mình với con số Viện Giáo dục quốc tế (IIE): Có hơn một triệu sinh viên quốc tế tại Mỹ (1,5 triệu) trong năm học 2018 -2019, chiếm 5,5% trong tổng sinh viên đại học tại Mỹ, đóng học phí khoảng hơn 40 tỷ USD, chưa kể “phụ phí” do ăn ở, đi lại, du lịch, thăm viếng, mua sắm. Nước Mỹ cũng kiếm được khá tiền khi mở cửa cho học sinh, sinh viên nước ngoài đến học tập.
Trong số đó, có khoảng 24.390 du học sinh người Việt Nam, đứng thứ 6 trong những nước có số sinh viên du học Mỹ nhiều nhất, trong đó 69,9% học đại học, 15,2% sau đại học, 10,2% tham gia thực tập không bắt buộc và 4,6% còn lại theo học các chương trình không cấp bằng. Hóa ra, nhu cầu cho con, em đi nước ngoài học tập, trong đó Mỹ là điểm đến hấp dẫn, lại lớn đến như thế.
Lại càng giật mình hơn trong một cuộc thăm dò do một tờ báo có uy tín của Việt Nam thì 48% phụ huynh muốn con học ở các trường quốc tế, chỉ 23% thích học trường công, và số phụ huynh muốn con học trường chuyên chỉ 21% hơn đúng mỗi nhóm trường tư 8%.
Việc mới đây trường Dân lập Quốc tế Việt Úc đơn phương gửi thông báo từ chối tiếp nhận 40 học sinh cho năm học 2020 - 2021 do cha mẹ mâu thuẫn về học phí với trường là tiêu cực. Nhưng mặt khác cũng cho thấy họ cung không đủ cầu và sẵn sàng từ chối học sinh này để lấy chỗ cho con của gia đình khác mà không hề lo sợ dư luận cộng đồng tẩy chay. Một điều không thể chối cãi là chi phí truyền thông các trường quốc tế được tính vào giá thành nên họ có điều kiện mời các chuyên gia giỏi đảm nhận, trong khi các trường công lập cứ ngồi đợi phụ huynh dắt con đến trường, thói quen từ thời bao cấp.
Cả 2 con số 23% phụ huynh thích con học trường công, 21% phụ huynh thích con học trường chuyên vẫn có xu hướng giảm. Một cô hiệu trưởng trường THPT thừa nhận: “Sức ép nâng cao chất lượng dạy học và kỹ năng sống cho các con tại các trường công lập gần đây có thay đổi nhưng chưa nhiều”.
Hình ảnh các cô giáo trường THCS Lý Thường Kiệt (Đống Đa, Hà Nội) chưa vào hè đã tất tả làm clip giới thiệu nhà trường để làm công tác tuyển sinh năm học tới; các cô giáo trường Tiểu học Trung Tự cùng quận đã cất công rút ngắn lễ tổng kết năm học để game “té nước” ấn tượng trong những ngày nắng nóng của Hà Nội nhằm “ghi điểm” trong lòng phụ huynh, học sinh khá ít.
Vẫn sẽ còn rất nhiều quan điểm khác nhau về trường chuyên, lớp chọn hay có nên cho con học trường quốc tế, du học hay không. Nhưng chí ít những nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo dạy trường công, trường chuyên sẽ phải hình dung về chặng đường sắp tới của mình.