Dù khó khăn vẫn phải sớm ban hành

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Ban Soạn thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư, khi thực hiện dự án theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) cần bảo đảm tính chặt chẽ về pháp lý để tránh thất thoát, lãng phí tài sản công và sớm ban hành.

Chỉ đạo của Thủ tướng một lần nữa cho thấy, sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với việc lấp đầy khoảng trống pháp lý trong các quy định pháp luật về việc sử dụng tài sản công, để thanh toán cho các nhà đầu tư BT.
Được biết, sau khi nắm bắt được những sự bất cập và khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho các dự án BT, từ năm 2017, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 nhằm thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước 2008. Tuy nhiên, dù Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ra đời nhưng với việc dự thảo Nghị định quy định thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT chưa thể hoàn thiện và ban hành vô hình chung lại khiến cho khoảng trống pháp lý vẫn tồn tại.
Chính vì thế, không lâu sau khi ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư, kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành.
Bởi thế, cuộc tranh cãi về thời điểm tính giá trị quỹ đất thanh toán cho dự án BT diễn ra trong một thời gian dài, hiện vẫn chưa có được lời giải đáp cuối cùng. Một số chuyên gia cho rằng, tính giá đất thanh toán cho dự án BT tại thời điểm phê duyệt dự án gây thất thoát ngân sách Nhà nước do giá đất sau khi dự án hoàn thiện sẽ tăng gấp nhiều lần.
Tuy nhiên, một số khác lại lo ngại, nếu áp dụng thời điểm tính giá quỹ đất trong tương lai sẽ khó thu hút được nguồn lực đầu tư vào các dự án BT, bởi sẽ không có chủ đầu tư nào chấp thuận việc này.
Vấn đề đặt ra, làm thế nào để hài hòa được lợi ích của cả Nhà nước và các nhà đầu tư dự án BT là câu hỏi khiến các nhà soạn thảo dự thảo Nghị định trăn trở, đau đầu trong suốt thời gian qua. Tại buổi làm việc với Thủ tướng, đích thân Ban soạn thảo dự thảo Nghị định đã thừa nhận, hiện nay vẫn còn nhiều quy định chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này.
Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định này gặp nhiều khó khăn vì liên quan nhiều vấn đề, quy định pháp luật khác nhau như đầu tư, đất đai, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất để đảm bảo theo giá thị trường, tránh thất thoát.
Chính vì vậy, dù hiện tại công tác dự thảo Nghị định đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc song như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị định là nhiệm vụ tối quan trọng đối với những nhà soạn thảo vào lúc này.
Bởi, chỉ khi Nghị định ra đời, những khoảng trống pháp lý trong sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT mới được bịt kín, tài sản Nhà nước không bị thất thoát và quyền lợi của những nhà đầu tư được đảm bảo.