Trong đó, ngày có số chuyến bay đi, đến cao nhất là ngày 18/2 (mùng 3 Tết) với 1.446 chuyến bay cất, hạ cánh tại 3 sân bay quốc tế lớn là Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng với số chuyến bay cất, hạ cánh tại mỗi sân bay lần lượt là 761 chuyến, 447 chuyến và 238 chuyến. So với dịp nghỉ Tết Đinh Dậu 2017, số lượng chuyến bay điều hành tăng 13,58%, trong đó riêng bay đi đến các sân bay của Việt Nam tăng 10,87%.
Trong những ngày nghỉ Tết, thời tiết tại các khu vực trên cả nước nhìn chung thuận lợi cho công tác điều hành bay. Các Công ty Quản lý bay khu vực và Trung tâm Quản lý luồng không lưu đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý vùng trời điều hành bay an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay trong khu vực trách nhiệm.Trong khi đó, theo Cảng vụ hàng không miền Nam, dự kiến hôm nay (21/2) lượng khách từ các địa phương về sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt con số cao nhất với khoảng 971 lượt cất, hạ cánh. Thông kế cho thấy từ ngày 12 - 19/2 có tổng cộng 912.895 lượt hành khách quốc tế và quốc nội đi đến sân bay Tân Sơn Nhất, tăng 7,25% so với Tết 2017.Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá, năm nay lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không tăng mạnh, số lượng chuyến bay phục vụ cả ngày và đêm đều tăng đột biến. "Chúng ta đã đi qua 2/3 chặng đường với kết quả rất tốt, hiện còn 10 ngày cao điểm sau Tết, các đơn vị cần tiếp tục nỗ lực, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối”, Bộ trưởng khẳng định và yêu cầu.Bộ trưởng cũng chỉ rõ, tuy vậy 1 số hãng hàng không bố trí thời gian giữa 2 chuyến bay quá ngắn, chỉ 40 phút, không đủ để phục vụ chuyến bay (vệ sinh, kiểm tra an ninh an toàn, làm thủ tục hàng không cho khách…) dẫn đến tình trạng còn để xảy ra chậm chuyến. Từ đó, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam cần nghiên cứu lại vấn đề này. Các khâu chưa hợp lý thì cần sửa đổi, bổ sung nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân.