Du lịch Đà Nẵng tìm hướng vượt khó

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch Covid-19 khiến du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng lao đao khi lượng khách giảm đến gần 56%. Thế nhưng, bằng các giải pháp kích cầu kịp thời, du lịch Đà Nẵng đang đón những tín hiệu tích cực trở lại.

Bà Nà là một trong những điểm giúp Đà Nẵng thu hút khá đông lượng du khách nội địa hiện nay.
Nhiều tín hiệu tích cực
Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt gần 1,9 triệu lượt khách, giảm gần 56% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 667.000 lượt, giảm 62,2% so với cùng kỳ 2019. Tổng thu du lịch ước đạt 7.466 tỷ đồng, giảm 49,2% so với cùng kỳ năm 2019. Để hỗ trợ các DN chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Sở Du lịch Đà Nẵng đã đề xuất các giải pháp, gói hỗ trợ cụ thể, thiết thực.
Đáng chú ý, cuối tháng 5 vừa qua, Sở Du lịch Đà Nẵng đã công bố chương trình kích cầu du lịch với chủ đề “Đà Nẵng tri ân - Danang Thank you 2020” với hàng loạt ưu đãi dành cho khách du lịch như: Miễn phí tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm; miễn phí dịch vụ vận chuyển Vietnam Airlines; giảm giá du ngoạn thuyền trên sông Hàn... Bên cạnh đó, những khu du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng như Bà Nà Hill, Công viên suối khoáng nóng núi Thần Tài… đã đưa ra nhiều gói ưu đãi nhằm kích cầu du lịch nội địa. Hay Công viên châu Á – Asia Park mở cửa trở lại vào ngày 2/7 cũng miễn phí vé vào tham quan. Đến nay, các khu, điểm du lịch ở Đà Nẵng đã đón hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, có những khu du lịch đón trung bình 7.000 lượt khách mỗi ngày cuối tuần.
Theo thống kê từ Sở Du lịch Đà Nẵng, hiện có hơn 55% trong khoảng hơn 900 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn đã hoạt động đón du khách trở lại. Nhiều DN lưu trú đã kết hợp với các đơn vị lữ hành thiết kế combo ưu đãi cho khách du lịch. Các khách sạn và resort thì thực hiện chính sách giảm giá từ 50 - 70%. Công suất phòng trong tháng 6 của các khách sạn 4 - 5 sao ở Đà Nẵng ước đạt 30% vào các ngày thường, đạt 80 - 100% vào các ngày cuối tuần. 
Khai thác “mỏ vàng” kinh tế đêm
Được đánh giá là một trong những TP đáng sống nhất Việt Nam nhưng tiềm năng phát triển du lịch đêm của Đà Nẵng vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Tại tọa đàm “Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí đêm” do Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tổ chức cuối tuần qua, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung mới chỉ có một số hoạt động kinh tế ban đêm, thực chất là kéo dài nền kinh tế ban ngày thêm mấy tiếng ban đêm (đến 21 - 22 giờ). Đó là sự tụt hậu. “Khách quốc tế lưu lại Việt Nam và Thái Lan cùng khoảng thời gian hơn 9 ngày nhưng chỉ tiêu 96 USD/ngày ở Việt Nam, còn ở Thái Lan là 163 USD” - PGS.TS Trần Đình Thiên so sánh.
Theo các chuyên gia, để tận dụng được thời cơ, phát huy lợi thế, Đà Nẵng cần khẩn trương xây dựng một chương trình, chiến lược phát triển kinh tế ban đêm bài bản. Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, việc phát triển kinh tế đêm để hỗ trợ du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm TP đặt ra trong thời gian tới. Cũng theo ông Chinh, Đà Nẵng có chủ trương sẽ dành ngân sách đầu tư để phát triển kinh tế đêm bằng việc xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới. “Trước mắt, chúng tôi sẽ đầu tư khu An Thượng; thiết kế phố đi bộ cầu Nguyễn Văn Trỗi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển du lịch nói chung và du lịch ban đêm tại TP” - ông Chinh nói.
Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh chia sẻ, Đà Nẵng xác định kinh tế ban đêm như là một chiến lược quan trọng để cạnh tranh, giúp du lịch bứt phá trong giai đoạn hậu Covid-19 và về lâu dài hướng tới các mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Thực tế hiện nay, những dịch vụ hoạt động về kinh tế đêm của Đà Nẵng đã cơ bản hình thành và bắt đầu đa dạng. Về định hướng phát triển kinh tế ban đêm, bà Hạnh cho biết Đà Nẵng xác định 4 nhóm hoạt động dịch vụ bao gồm: Vui chơi giải trí, ẩm thực, dịch vụ mua sắm, tham quan du lịch. Trước mắt, Đà Nẵng hạn chế những khu vực, dịch vụ đang nằm xen kẽ trong địa bàn khu dân cư và chọn một số khu vực có sẵn cơ sở vật chất để phát triển, nâng cấp khai thác. Về lâu dài, Đà Nẵng sẽ chọn một số khu vực để quy hoạch xác định cụm du lịch trọng điểm.
Đà Nẵng vừa thông qua một dự án đối với phố du lịch Bạch Đằng do công ty tư vấn của Pháp đưa ra. Hiện đang thực hiện tới giai đoạn quy hoạch chi tiết 1/500 và dự kiến khởi công một số hạng mục về hạ tầng vào khoảng trước tháng 10/2020. Sau khi hoàn thiện hạ tầng, TP sẽ kêu gọi đầu tư các dịch vụ trong tuyến phố này.