Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch dịp Lễ 30/4 và 1/5: Vẫn điệp khúc “chặt chém”, rác thải, quá tải

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cũng giống như những năm trước, trong suốt 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, hầu hết các điểm du lịch trên cả nước đều xảy ra tình trạng tăng giá các dịch vụ ăn uống, rác thải tràn lan và quá tải.

Nhiều điểm du lịch quá tải
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, do thời tiết nắng nóng, kỳ nghỉ kéo dài, giao thông thuận lợi... nên tại nhiều khu du lịch biển, bãi biển trên cả nước đều rất đông du khách. Trong 5 ngày, tỉnh Quảng Ninh đã đón hơn 600.000 lượt du khách.
Tính riêng ngày 30/4, tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt hơn 75.000 lượt; trong đó, khách lưu trú ước đạt hơn 8.400 lượt, lưu trú quốc tế là 6.463 lượt… Công suất buồng khách sạn 4 đến 5 sao trên địa bàn TP Hạ Long đạt hơn 80%.
 Biển Cửa Lò đông nghịt khách suốt 5 ngày nghỉ lễ.
Trong 5 ngày nghỉ lễ, cũng có hơn 600.000 khách du lịch đổ về bãi biển Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Tương tự, các bãi biển khắp cả nước như Cửa Lò (Nghệ An), Cát Bà và Đồ Sơn (Hải Phòng), Nhật Lệ, Lăng Cô (Huế), Đà Nẵng, Phan Thiết,… đông nghẹt khách.
Ngay cả những vùng biển mà dịch vụ du lịch chưa có nhiều như Quất Lâm và Thịnh Long (Nam Định), Hải Tiến (Thanh Hóa), Thiên Cầm (Hà Tĩnh)… cũng có thời điểm “cháy phòng” dịp này. Ghi nhận từ Ban quản lý các khu quần thể của Tập đoàn FLC, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, lượng khách đặt phòng tại các khu FLC Sầm Sơn, FLC Vĩnh Phúc, FLC Quảng Ninh, FLC Quy Nhơn… ước tính lên tới 15.000 người.
Dù du lịch biển là sự lựa chọn hàng đầu của các “thượng đế” mỗi dịp 30/4, 1/5, nhưng tại các điểm đến ở miền núi và TP cũng hút khách không kém. Sa Pa (Lào Cai) trong 4 ngày nghỉ lễ đã đón có khoảng 70.000 lượt du khách. Các khách sạn tại Hội An, Đà Nẵng không đủ đáp ứng nhu cầu do đợt nghỉ lễ trùng với sự kiện bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2019.
Những điểm trừ cần sớm khắc phục
Cùng với sự quá tải, ở hầu hết các điểm đến vẫn xảy ra tình trạng rác thải tràn lan khắp nơi, dù mức độ không nghiêm trọng như những năm trước nhưng chính quyền địa phương và đơn vị quản lý vẫn phải “kêu trời”.
Một số điểm vui chơi, giải trí ở Hà Nội như: Công viên Thiên Đường Bảo Sơn, Công viên Thủ lệ, khu du lịch Khoang Xanh, Ao Vua, Thiên Sơn - Suối Ngà (huyện Ba Vì), núi Trầm (huyện Chương Mỹ), núi Hàm Lợn (Sóc Sơn)… rác thải sinh hoạt gây phản cảm. Bãi biển Nha Trang, Sầm Sơn, Vũng Tàu, Cửa Lò, công viên Đầm Sen (TP Hồ Chí Minh),… cũng trở nên nhếch nhác với vỏ lon, cốc nhựa, túi nilon vứt khắp nơi. Một “điểm trừ” nữa của ngành công nghiệp không khói là hiện tượng “chặt chém” mặc dù đã giảm nhưng vẫn diễn ra ở nhiều nơi, tiêu biểu là Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu.
 Đường ra đảo Cát Bà ùn tắc nghiêm trọng vào các ngày nghỉ lễ.
Anh Đào Xuân Tú (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi vừa đi du lịch Đà Lạt và Nha Trang. Năm nay, tại Đà Lạt, gia đình tôi không bị “cò” du lịch đưa vào điểm bán đặc sản, quà lưu niệm với giá “cắt cổ”, trong khi các dịch vụ khách sạn, ăn uống đắt hơn ngày thường 30 - 50%. Trong khi đó, tại Nha Trang, giá đồ uống cũng tăng tới 50% so với ngày thường”. Có trường hợp tại một khu nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, giá sinh tố bơ ngày thường chỉ khoảng 50.000 đồng thì dịp lễ tăng lên 170.000 đồng, nước ép dâu cũng lên tới 150.000 đồng.
Tuy nhiên, mặt bằng chung, tình trạng “chặt chém” tại nhiều nơi đã giảm đáng kể. Có được kết quả này là bởi các Sở VHTT&DL, Sở Du lịch các tỉnh, TP đã chỉ đạo các cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện niêm yết giá công khai, bán đúng giá niêm yết, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng ép giá, chèo kéo, gian lận, bội tín trong kinh doanh, đảm bảo chất lượng dịch vụ tương xứng với giá. Nếu đơn vị nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Đồng thời, tăng cường nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát để chống tình trạng "chặt chém" như: Phân công lực lượng quản lý thị trường và công an túc trực tại các điểm có nhiều nhà hàng ăn uống, điểm gửi ôtô để sẵn sàng giải quyết các khiếu nại của du khách nếu bị "chặt chém" về giá cả hoặc xảy ra mất an ninh trật tự; mở đường dây nóng hỗ trợ du khách 24/24; kiên quyết xử lý những cơ sở kinh doanh bán không đúng giá quy định…
Trước những thực trạng trên, nhiều chuyên gia du lịch kêu gọi, mỗi du khách, DN hãy có trách nhiệm, kiên quyết không trả tiền cho những dịch vụ bị đẩy giá lên cao. Nếu bị “chặt chém”, hãy nhanh chóng thông tin cho các cơ quan chức năng xử lý kịp thời để đảm bảo quyền lợi cho chính mình, và góp phần làm đẹp hình ảnh du lịch Việt Nam. Đồng thời, mỗi người hãy là những du khách văn minh, không xả rác bừa bãi và vận động những người xung quanh cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, 5 ngày nghỉ lễ từ 27/4 - 1/5, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 440.411 lượt khách, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 91.211 lượt khách (tăng 17,9%), khách du lịch quốc tế có lưu trú ước đạt 64.030 lượt khách; khách du lịch nội địa ước đạt khoảng 349.200 lượt khách (tăng 11%). Tổng thu từ du lịch ước đạt 754 tỷ đồng, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước.